(TG) - Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, góp phần làm sâu sắc hơn những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Đăng Ninh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó có phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và khu vực Bắc Bộ.
Sáng 22/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn phối hợp với Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh với phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn và khu vực Bắc Bộ”.
Đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và PGS. TS. Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài tỉnh; đại biểu Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn cùng đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh và thân nhân gia đình đồng chí Trần Đăng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, cùng với khái quát về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Đăng Ninh và vai trò của đồng chí với cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nông Lương Chấn nhấn mạnh, Hội thảo khoa học “Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh với phong trào cách mạng tỉnh Lạng Sơn và khu vực Bắc Bộ” là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, góp phần làm sâu sắc hơn những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Đăng Ninh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, trong đó có phong trào cách mạng của tỉnh Lạng Sơn và khu vực Bắc Bộ.
Đồng chí Nông Lương Chấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định, những nội dung tại Hội thảo sẽ là những cứ liệu lịch sử quý báu, là nguồn tài liệu để tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống về sự cống hiến của các bậc tiền bối đối với quê hương Lạng Sơn, với đất nước, qua đó khơi dậy và phát huy lòng tự hào dân tộc…
Tháng 9/1940, nắm bắt thời cơ thuận lợi khi quân Pháp thua quân Nhật ở Lạng Sơn, rút chạy qua Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên, cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, khoảng 600 tự vệ và quần chúng cách mạng tiến đánh đồn Mỏ Nhài, làm chủ châu lỵ Bắc Sơn. Khi cuộc khởi nghĩa đang lan rộng thì Nhật thỏa hiệp, tạo điều kiện cho Pháp tập trung lực lượng quay lại tiến đánh Bắc Sơn, chiếm lại đồn Mỏ Nhài và châu lỵ, rồi đẩy mạnh càn quét, đốt phá các làng bản, bắt bớ, tàn sát, khủng bố nhân dân hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa.
Đầu tháng 10/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ họp hội nghị mở rộng, quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên Bắc Sơn cùng đảng bộ địa phương lãnh đạo đấu tranh, duy trì khởi nghĩa, tổ chức đội du kích và xây dựng khu căn cứ Bắc Sơn.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là đồng chí Trần Đăng Ninh, phong trào cách mạng Bắc Sơn được củng cố và phát triển. Đội du kích Bắc Sơn tích cực tham gia vũ trang tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức diệt trừ các phần tử phản động, làm tay sai cho Pháp, tịch thu tài sản của nhà giàu, địa chủ gian ác chia cho dân nghèo, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh, động viên quần chúng tham gia xây dựng lực lượng cách mạng.
|
Với hơn 20 tham luận gửi đến Ban Tổ chức cùng nhiều ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, bổ sung nhiều thông tin, làm nổi bật thêm những đóng góp của đồng chí Trần Đăng Ninh với phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn; những tư liệu lịch sử và sự kiện đồng chí Trần Đăng Ninh tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ; vai trò của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự ra đời của Cứu quốc quân Bắc Sơn; hoạt động của đồng chí Trần Đăng Ninh tại Bắc Sơn, Lạng Sơn....
Nói về ý nghĩa của cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, phong trào cách mạng Bắc Sơn gắn với vai trò của đồng chí Trần Đăng Ninh, Hội thảo tiếp tục khẳng định, đây là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra sớm nhất ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Được ghi nhận “là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương....”. Không chỉ là một mốc son trong những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Khởi nghĩa Bắc Sơn còn để lại cho quê hương Lạng Sơn những tài sản văn hóa vô cùng quý giá. Đó là các di tích ghi dấu các sự kiện liên quan đến quá trình, diễn biến của cuộc khởi nghĩa - những dấu tích oai hùng vẫn còn đó trong các bản làng, rừng núi, hang động của vùng chiến khu cách mạng năm xưa.
Các di tích lịch sử như đồn Mỏ Nhài, trường Vũ Lăng, đình Nông Lục, hang Mỏ Rẹ, đồi Nà Kheo, núi Sa Khao, đèo Thâm Thuông - Dập Dị, đèo Tam Canh, cầu Rá Riềng, làng Khuôn Khát... là bằng chứng sinh động về ý chí kiên cường, tinh thần quật khởi và tấm lòng ân nghĩa, thủy chung của dân quân du kích Bắc Sơn đối với cách mạng; được quan tâm gìn giữ, trùng tu tôn tạo để phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng; là điểm đến thu hút khách tham quan du lịch tới Lạng Sơn...
PGS. TS. Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng phát biểu.
Theo các đồng chí chủ trì, những nội dung có chất lượng khoa học và thiết thực của Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, xác minh tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến của đồng chí Trần Đăng Ninh để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét bổ sung vào danh sách các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam./.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tên thật là Nguyễn Tuấn Đáng) sinh năm 1910, tại thôn Quảng Nguyên, xã Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội).
Đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1935, trải qua quá trình hoạt động, năm 1940 khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, đồng chí được Xứ ủy cử lên lãnh đạo phong trào Bắc Sơn.
Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí trải qua nhiều gian khổ, từ bệnh tật cho đến bị giam cầm, tra tấn nhưng đồng chí vẫn một lòng kiên định theo Đảng. Ghi nhận những đóng góp lớn lao của đồng chí Trần Đăng Ninh với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Sao Vàng cho đồng chí.
|
HÀ KHÁNH