Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 20/4/2023 15:57'(GMT+7)

Lạng Sơn: Kế thừa và phát huy giá trị nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh

10 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. (Ảnh: Thùy Ninh)

10 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. (Ảnh: Thùy Ninh)

Dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Hồng Huy, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nông Lương Chấn, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; đồng chí Phùng Quang Hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Giáp Thị Bắc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Y tế  và các phòng nghiệp vụ, Bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Hội Đông y tỉnh; đại diện thường trực các huyện ủy, thành ủy; đại diện lãnh đạo ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy; phóng viên Báo Trung ương Thường trú tại tỉnh Lạng Sơn và phóng viên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh dự và đưa tin Hội nghị; các tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Theo báo cáo tại Hội nghị, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả nổi bật: tỉnh đã đầu tư xây dựng Bệnh viện YHCT quy mô 150 giường bệnh và các trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và các hoạt động chuyên môn; tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều có khoa Y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền; 100% các trạm y tế xã có hoạt động y học cổ truyền lồng ghép trong công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân tại địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 410 vườn thuốc của các lương y và phần lớn các trạm y tế xã đều có vườn thuốc mẫu phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng trong khám, chữa bệnh; có 35 phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân, 10 phòng đa khoa khám tư nhân có khám chuyên khoa y học cổ truyền. Mạng lưới khám chữa bệnh (KCB) y học cổ truyền (YHCT) của các cơ sở KCB công lập và tổ chức Hội Đông y được phát triển rộng khắp từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Bên cạnh đó còn có sự phát triển mạnh mẽ của các cơ sở KCB ngoài công lập với nhiều hình thức khác như phòng khám đa khoa tư nhân có bộ phận YHCT, phòng khám chuyên khoa YHCT hay các phòng chẩn trị YHCT. Tỷ lệ người KCB và sử dụng thuốc YHCT ngày một tăng, chỉ số hấp dẫn của thuốc thảo dược ngày một nhiều, kết quả và khả năng chữa bệnh cũng như niềm tin của bệnh nhân vào thuốc YHCT ngày càng cao cho thấy nhu cầu sử dụng dược liệu trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Đây vừa là cơ hội để phát triển nền Đông y, đồng thời cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác phát triển nền đông y trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Số lượng và chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại ngày càng tăng. Tổng số lượt khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền giai đoạn 2018 - 2023 là 243.129 lượt, tăng 74.512 lượt so với giai đoạn 2008 - 2013. Trong 15 năm (từ năm 2008 - 2013) Hội Đông y đã khám và điều trị cho 1.837.759 lượt bệnh nhân; số bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi: 671.728 lượt, đèn chiếu 5.195 lượt. Bốc thuốc 1.887.956 thang. Qua đó, có thể khẳng định rằng số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh bằng đông y ngày càng tăng; Hội Đông y tỉnh đã phát huy được tốt khả năng về các phương pháp chữa bệnh dùng thuốc và không dùng thuốc có một vị trí hết sức quan trọng trong việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.

Công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kế thừa, tiếp thu những bài thuốc quý, những kinh nghiệm chữa bệnh phục vụ điều trị ngày được đẩy mạnh; đặc biệt đã kế thừa, sưu tầm được hàng trăm bài thuốc, trong đó có những bài thuốc được nghiên cứu ứng dụng, điều trị có hiệu quả trên lâm sàng; công tác khai thác, nôi trồng, bảo tồn dược liệu được triển khai rộng khắp, hằng năm đã thu hái được hàng chục ngàn tấn dược liệu.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trồng và sử dụng những cây thuốc có sẵn ở địa phương, những bài thuốc đơn giản để tự phòng và chữa trị một số bệnh thông thường, không những đã góp phần tích cực thực hiện chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hội Đông y trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố và phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.483 hội viên thuộc 11 huyện, thành phố; 200/200 xã, phường, thị trấn có Hội Đông y cấp xã. Các cấp hội đã thường xuyên quan tâm trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu chuyên sâu, nhất là các bài thuốc hay, những sáng tạo trong khám và chữa bệnh. Hội đã thường xuyên làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới hội viên; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, lương y, nhiều bài thuốc quý đã khẳng định, tôn vinh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy được di sản y học của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có diện tích tự nhiên là 831.009 ha (8.310,09km 2), tổng dân số trên 802.090 người; khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc điểm địa hình, địa chất thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng phù hợp với nhiều loại cây trồng nên Lạng Sơn có thảm thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng trong đó có nhiều loại dược liệu quý và nhiều dược liệu tiềm năng. Theo kết quả nghiên cứu về dược liệu, Lạng Sơn hiện có 933 loài, 564 chi, 186 họ thuộc 6 ngành thực vật và nấm có giá trị làm thuốc. Đây là nguồn cung dược liệu dồi dào đáp ứng yêu cầu, nghiên cứu sản xuất, chế biến, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; là điều kiện thuận lợi và thế mạnh cho việc phát triển xây dựng nền Đông y. Thành lập từ năm 1974 đã qua gần 50 năm hoạt động, Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn đang ngày càng trưởng thành và phát triển.

Mạng lưới Hội Đông y cũng đã được phát triển đến tuyến xã, phường, thôn, bản. Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc đông y tiếp tục được đẩy mạnh; việc nuôi trồng, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học cổ truyền được quan tâm và đạt nhiều kết quả; việc kế thừa, bảo tồn và phát huy các bài thuốc quý thực hiện có hiệu quả; tổ chức Hội Đông y các cấp có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có nhiều hoạt động tích cực vận động, tập hợp những người làm nghề đông y và y học cổ truyền có kinh nghiệm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh và thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng là “Phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa, cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội tại Chỉ thị số 24-CT/TW.

Cùng với sự phát triển của Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua đã có những bước phát triển quan trọng. Hoạt động của Hội Đông y ở các cấp đã góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển nền đông y nước nhà: Việc khám, chữa bệnh bằng đông y được mở rộng, số lượng cán bộ ngành đông tăng, trình độ chuyên môn được nâng cao, thuốc đông y Việt Nam đa dạng về chủng loại; hoạt động xã hội hóa về công tác quản lý hành nghề đông y có những tiến bộ đáng kể.

Đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những hạn chế khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW trong thời gian qua, đồng thời cùng đưa ra các ý kiến trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tiễn để Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh cho Nhân dân và phát  triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích và những đóng góp tích cực của ngành Y tế, Hội Đông y các cấp trong 15 năm qua và biểu dương những đóng góp và thành tích xuất sắc các tập thể, cá nhân, những mô hình tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị số 24- CT/TW của Ban Bí thư. Đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khó khăn đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của đông y, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, kế thừa, phát huy, phát triển nền đông y trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; đội ngũ cán bộ y học cổ truyền còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, thiếu sự nhiệt tình trong công tác hội; chưa xây dựng được cơ chế chính sách về y, dược học cổ truyền phù hợp điều kiện kinh tế của tỉnh; sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại còn hạn chế, công tác hiện đại hóa y học cổ truyền còn chậm.

Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị, các cấp,  các ngành tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, củng cố, nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Phát triển y học cổ truyền, y tế ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả, xây dựng nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh ngày càng phát triển, đồng chí đề nghị trong thời gian tới các cấp, các ngành, Hội Đông y các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa

phương đối với công tác đông y và Hội Đông y trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền Đông y và Hội Đông y đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.

Hai là, tiếp tục củng cố khoa y học cổ truyền trong các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng các tiến bộ mới trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ba là, tăng cường củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y học cổ truyền cơ sở; tăng cường vai trò của Hội Đông y các cấp; đẩy mạnh việc phổ biến, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn cho đội ngũ thầy thuốc. Tiếp tục nghiên cứu những bài thuốc hay, phương pháp chữa bệnh mới; sưu tầm, kế thừa có chọn lọc về lý luận và kinh nghiệm lâm sàng của các lương y cao tuổi có nhiều uy tín ở địa phương, các phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao của các nhà thuốc gia truyền để quảng bá, phổ biến rộng rãi. Tập trung nghiên cứu, đánh giá tính khoa học của các cây thuốc, bài thuốc để áp dụng trong chữa bệnh cho Nhân dân.

Bốn là, phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh, xây dựng quy hoạch vùng bảo tồn gen dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thuận lợi trong việc chăm sóc, bảo tồn và sử dụng. Xác định nhu cầu sử dụng dược liệu, thuốc thành phẩm YHCT phục vụ cho công tác KCB; khuyến khích trồng cây thuốc tại vườn, tại nhà. Nâng cấp và hiện đại hoá một số lĩnh vực như bào chế thuốc, sắc thuốc, sản xuất một số thành phẩm thuốc YHCT sử dụng trong các cơ sở y tế; ưu tiên chuyên canh, xen canh, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến và sản xuất dược liệu, các dự án nuôi trồng dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm là, xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, nhằm thu hút được đội ngũ cán bộ y học cổ truyền có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt; đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y, bác sĩ y học cổ truyền nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, 10 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.

Thùy Ninh

 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất