(TG)- Tổ chức bộ máy làm công tác tuyên giáo các cấp ở Lạng Sơn đã được sắp xếp, kiện toàn
theo quy định của Đảng, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt để đáp ứng
yêu cầu thực tiễn của địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo
các cấp đã cơ bản được xác định rõ hơn; sự phối hợp, tính chủ động, lề
lối làm việc có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công
tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay.
Ngày 10/3, đoàn khảo sát công tác tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Trần Viết Lưu, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp đã có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn. Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn đồng chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, trong quý I/2017, công tác tuyên giáo Lạng Sơn đã bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Tỉnh ủy và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tích cực chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng triển khai quán triệt, học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hướng dẫn kịp thời các hoạt động tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết cổ truyền Đinh Dậu năm 2017 và định hướng dư luận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
|
|
Về thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của Lạng Sơn, đồng chí Nguyễn Trọng Sơn cho biết, tổ chức bộ máy tuyên giáo của tỉnh được thành lập từ tỉnh đến cơ sở (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp trong toàn tỉnh có 788 người. Nhìn chung tổ chức bộ máy làm công tác tuyên giáo các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của Đảng, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Chức năng, nhiệm vụ của ban tuyên giáo các cấp đã cơ bản được xác định rõ hơn; sự phối hợp, tính chủ động, lề lối làm việc có nhiều đổi mới, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay.
Trong những năm qua, ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy đã có nhiều cố gắng, đổi mới về nội dung và phương thức tiến hành công tác tuyên giáo, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo ở địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ban tuyên giáo một số huyện còn thiếu cán bộ theo chỉ tiêu biên chế; trình độ, năng lực của một số cán bộ còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên giáo.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên giáo trong tình hình mới, Lạng Sơn cũng đã đưa ra những yếu tố cần có của cán bộ tuyên giáo. Đó là, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh; đoàn kết, dân chủ; có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với đường lối, quan điểm chính trị của Đảng, Nhà nước; làm việc với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả cao. Được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh, ngoại ngữ, tin học… Có khả năng vận dụng lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào thực tiễn của địa phương. Nhạy bén về chính trị, có khả năng nghiên cứu lý luận; nắm bắt và dự báo, định hướng về tư tưởng và dư luận xã hội. Có khả năng nói, viết được, có tính chiến đấu và khả năng giải quyết các vấn đề tư tưởng bằng phương pháp thuyết phục. Có phong cách làm việc dân chủ và khả năng đối thoại với quần chúng.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, căn cứ các quy định, hướng dẫn của cấp trên và thực trạng đội ngũ cán bộ, tổ chức bộ máy và biên chế được giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, Ban Tuyên giáo các xã, phường, thị trấn nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho cấp ủy lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại cán bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm hoạt động có hiệu quả hơn trong lĩnh vực công tác tuyên giáo.
Trong sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ phải đúng với chuyên môn được đào tạo nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của cán bộ, từ đó góp phần làm tinh gọn bộ máy, phát huy được hiệu quả trong hoạt động.
Về đào tạo, bồi dưỡng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần xuất phát từ yêu cầu của công việc, dựa trên cơ sở nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và chức năng, nhiệm vụ của cán bộ chuyên môn để triển khai theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm sát hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý; đồng thời từng bước sắp xếp, cử cán bộ chưa được đào tạo chuẩn hóa về mặt chuyên môn theo yêu cầu và nhiệm vụ để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác tuyên giáo.
Đến năm 2020, phấn đấu cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị; trên 80% cán bộ tuyên giáo xã, phường, thị trấn có trình độ từ trung cấp trở lên và đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị.
Việc quy hoạch cán bộ cần bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác quy hoạch cán bộ. Trong đó, xuất phát từ yêu cầu quy hoạch cán bộ chuyên môn và cán bộ lãnh đạo quản lý để bảm đảm tính kế thừa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ.
Công tác quy hoạch được tiến hành và điều chỉnh trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ công chức. Công tác quy hoạch cần thể hiện tính “động” và “mở”; bảo đảm tính kế thừa, gắn với đào tạo, bồi dưỡng và dự nguồn cán bộ kế cận để có thể đảm đương ở các vị trí khuyết khi có sự chuyển giao thế hệ.
Việc đánh giá cán bộ căn cứ trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công tác hàng năm; tinh thần sáng tạo, dám đề xuất, dám chịu trách nhiệm về nội dung thực hiện. Trong đánh giá thể hiện tinh thần công tâm, khách quan, công bằng và khích lệ tinh thần sáng tạo của cán bộ trên cơ sở theo dõi, đánh giá việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan.
Những căn cứ trên và kết quả đánh giá là cơ sở để làm căn cứ xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ. Hàng năm kịp thời đánh giá, xếp loại công chức và động viên, khen thưởng cán bộ có nhiều sáng kiến, tinh thần tận tụy với công việc, chấp hành tốt quy chế làm việc của cơ quan, hiệu quả công việc đem lại rõ nét.
Từ tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng đề nghị, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của ban tuyên giáo cấp xã, phường, thị trấn; cần nghiên cứu, rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy cụ thể, rõ ràng và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng bày tỏ mong muốn Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành mới tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên giáo phù hợp với tình hình mới. Hàng năm Ban Tuyên giáo Trung ương mở các lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ tham gia bồi dưỡng.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn, lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương có ý kiến trao đổi trở lại để làm rõ thêm một số nội dung mà địa phương đề cập.
Thu Hằng