Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 21/2/2013 22:44'(GMT+7)

Lạng Sơn, Phú Thọ, Bình Thuận: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi 1992

Ngày 21/2, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức kỳ họp thứ 6, lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu tham dự kỳ họp đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Hiến pháp 1992 là phù hợp với tình hình đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh khu vực, thế giới đang có nhiều thay đổi.

Ông Phùng Thanh Kiểm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đây là một kỳ họp quan trọng; việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 thể hiện tinh thần dân chủ. Việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 theo nguyên tắc tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để mọi người dân, cán bộ, đảng viên… có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến vào các vấn đề của quốc gia đối với từng điều khoản cụ thể. Ý kiến của các đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được tập hợp đầy đủ và gửi Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự thảo.

Đối với Chương I, các đại biểu khẳng định Đảng Cộng Sản Việt Nam phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu, quyết định thắng lợi trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Góp ý vào chương IX các Điều 115, 116 dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ông Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho rằng: Nên quy định rõ hệ thống hành chính quốc gia là do Hiến pháp quy định và xem xét việc đổi tên UBND các cấp ở địa phương thành Uỷ ban hành chính tại địa phương đó.

Đại biểu Trương Hùng Anh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã quy định rất rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội thông qua Cương lĩnh, Nghị quyết, công tác cán bộ.Tuy nhiên cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi. Đối với Điều 107 và 112 tại chương VIII cần quy định rõ hơn nhiệm vụ của Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Đối với khoản 3, khoản 4 Điều 108, bà Hồ Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho rằng nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp do luật định”. Đối với Điều 120 về thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu góp ý đây là thiết chế mới, Hội đồng Hiến pháp cần được tổ chức theo cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả. Đối với Chương IX về Chính quyền địa phương, các đại biểu góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần bổ sung điều khoản khẳng định về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
K ỳ họp của HĐND tỉnh Lạng Sơn đã nhận được 175 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trong đó có 55 ý kiến góp ý trực tiếp và 120 ý kiến góp ý bằng văn bản).

Cùng ngày 21/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị uỷ viên Uỷ ban MTTQ tỉnh, đại diện Ban thường trực các huyện, thành, thị; lãnh đạo các tổ chức thành viên; các vị nguyên là lãnh đạo MTTQ qua các thời kỳ; các chức sắc tôn giáo; người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số; các nhân sỹ, trí thức về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại cuộc họp, các đại biểu đều đánh giá cao bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước. Song Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Bằng trí tuệ, tâm huyết và trọng trách của mình, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất quan trọng cho bản Dự thảo. Các ý kiến thảo luận, đóng góp đã tập trung phân tích và làm rõ các nội dung như lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Đại biểu Nguyễn Như Ý, Phó Chủ tịch Hội luật gia tỉnh Phú Thọ cho rằng, tại điều " Đảng cộng sản đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân lao động và của dân tộc Việt Nam".... nên bỏ từ "đồng thời là đội tiên phong của.." Theo đó, nên sửa là "Đảng cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân lao động và của dân tộc Việt Nam". Như vậy vừa ngắn gọn, vừa đủ ý hơn.

Cũng theo ông Nguyễn Như Ý, tại điều 107, khoản 1 "Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định". Viết như vậy chưa đầy đủ, làm cho người khác khó hiểu, buộc người khác hiểu nhầm là các tòa án khác là các toàn án địa phương, tòa án quân sự. Cụm từ các tòa án khác do luật định chỉ nên dùng cho cơ chế mở, nghĩa là sau này sẽ thành lập tòa án khu vực theo hướng cải cách tư pháp hiện nay hoặc khi cần phải thành lấp tòa án đặc biệt. Hiện nay hệ thống tòa án nhân dân gồm cả các tòa án nhân dân địa phương, các tòa án quân sự được tổ chức trong quân đội như Tòa án quân sự Trung ương, Tòa an quận sự cấp Quân khu, tòa án Quân sự khu vực trực thuộc. Do đó, Hiến pháp phải ghi nhận đầy đủ, rõ ràng, không thể nói chung chung để tự hiểu ngầm. Vì vậy phải bổ sung vào điều 107 như sau: Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân địa phương, các tòa án quân sự và các tòa án khác theo luật định. Tại điều 23, khoản 1, Hiến pháp quy định chung chung nên rất khó, phải bổ sung thêm 2 từ “hợp pháp” vào sau từ thông tin, cụ thể là: “Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin hợp pháp về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”.

Về quyền con người quy định trong Hiến pháp năm 1992, Đại đức Thích Minh Nghiêm – Trưởng ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Phú Thọ đề nghị nên gộp điều 18 (sửa đổi bổ sung điều 49 cũ) với điều 19 (sửa đổi bổ sung điều 75 cũ), và viết lại như sau: Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Công dân nước CHXHCN Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ và giao nộp cho nhà nước khác, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời cộng đồng dân tộc Việt Nam; nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương....

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban thường trực UBMTTQ tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Ban thường trực UBTW MTTQ Việt Nam và Thường trực HĐND tỉnh.

Ngày hôm nay, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, cơ quan tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư... và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đa số đại biểu đồng tình: Qua 20 năm thực hiện, Hiến pháp năm 1992 đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp phù hợp với tình hình mới của đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi sâu sắc, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững, nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh có ý nghĩa rất sâu sắc.

Các đại biểu đã góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm với Dự thảo về những vấn đề cần làm rõ, đầy đủ, sâu sắc hơn, nhất là các vấn đề về quyền con người, quyền công dân, vấn đề về bảo vệ Tổ quốc...

Ông Trần Ngọc An, Chủ tịch Hội Luật Gia tỉnh Bình Thuận cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được sắp xếp khoa học, hợp lý. Lời nói đầu ngắn gọn, thể hiện được quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc, khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã quy định thành một chương riêng, ghi nhận và đảm bảo các quyền con người được tôn trọng và thực hiện.

Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 54, Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường để cho rõ hơn, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “đúng quy định” trước cụm từ “pháp luật”; điều 57 sửa đổi không cần phải có điều kiện nhà nước có đầu tư, quản lý mới là tài sản công, là sở hữu của toàn dân. Do vậy, cần sửa là “đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời là tài sản toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật.”

Tại khoản 3 điều 58, các đại biểu đề nghị tách ra làm 2 nhóm gồm: nhóm 1 là thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; nhóm 2 là thu hồi đất để phục vụ lợi ích phát triển kinh tế-xã hội... Có như vậy người bị thu hồi đất dễ hiểu, dễ thực hiện, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và không đúng pháp luật.

Điều 21, Chương II, nhiều đại biểu có ý kiến nên bổ sung cho đầy đủ vì theo Dự thảo “Mọi người có quyền sống” là chưa đủ, vì khi người phạm tội nghiêm trọng, bị án tử hình thì có thực hiện được quyền sống này hay không.

Đại biểu đề nghị bổ sung khoản 1 điều 15 “Nhà nước bảo vệ và giúp đỡ những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội” vì hiện nay, nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội đối với nhóm người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em, phụ nữ và người nhiễm chất độc da cam, HIV...

Khoản 1 điều 16, các đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “có nghĩa vụ” thay bằng từ “phải” và thêm từ “hợp pháp”, do đó Dự thảo nên quy định là “Mọi người phải tôn trọng quyền hợp pháp của người khác.”

Cùng với đó, nhiều đại biểu có ý kiến bổ sung khoản 2 điều 38 Dự thảo sửa đổi như sau: "Cấm các hành vi không thực hiện các chính sách hỗ trợ lao động; sử dụng lao động không đúng mục đích..." Chương IV về Bảo vệ Tổ quốc, đa số đại biểu đồng tình bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, do đó nên thay cụm từ “sự nghiệp” là “trách nhiệm”...

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp thu, chuyển đến các cơ quan liên quan và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.

Nam Anh tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất