Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 20/1/2013 22:4'(GMT+7)

Phong trào Cộng sản quốc tế vượt khó, đi tới

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW, Trưởng Đoàn đại biểu ĐCSVN phát biểu  tại Hội thảo “Phong trào cộng sản quốc tế hôm nay và ngày mai”   tại Mát-xcơ-va, ngày 15-16/12/2012. Ảnh T.G.C.C

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW, Trưởng Đoàn đại biểu ĐCSVN phát biểu tại Hội thảo “Phong trào cộng sản quốc tế hôm nay và ngày mai” tại Mát-xcơ-va, ngày 15-16/12/2012. Ảnh T.G.C.C


 

1. Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá tình hình

Hội thảo quốc tế “Phong trào cộng sản quốc tế hôm nay và ngày mai”, diễn ra tại Mátxcơva trong hai ngày 15-16 tháng 12 năm 2012. Có 11 Đảng Cộng sản thuộc 10 nước tham dự Hội thảo (Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc, Braxin, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Li Băng, Séc và Moravia, Ukraina, Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mácxít)), và một số giáo sư, học giả thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học của Nga.

Các Đảng Cộng sản tham dự Hội thảo khẳng định: kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng cho hoạt động của đảng, cho cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, vì giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở mỗi nước và trên toàn thế giới. Về tình hình nước Nga, Chủ tịch G. Diuganốp cho biết, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị cho Đại hội XV của Đảng. Sau sự kiện bi thảm tháng 8-1991, Nhà nước CHXHCN Xô viết và Đảng Cộng sản Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản Liên bang Nga bị cấm hoạt động và sau Đại hội bất thường lần thứ II, tháng 2-1993, Đảng được phục hồi, ra hoạt động công khai. Hai thập kỷ qua, KPRF luôn trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, nhân dân lao động. Tuy nhiên, Đảng phải hoạt động trong những điều kiện mới hết sức khó khăn, nhất là dưới thời B. Enxin, đã vươn lên trở thành chính đảng lớn thứ hai và là đảng đối lập lớn nhất trên chính trường Nga (sau Đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền). Hiện nay, KPRF đang cố gắng củng cố mọi mặt, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng - lý luận, sự đoàn kết trong Đảng, trong ban lãnh đạo Đảng. Hội thảo lần này là dịp để KPRF khẳng định quan điểm và mong muốn trao đổi, tham khảo kinh nghiệm các Đảng Cộng sản anh em, coi đây là việc làm cần thiết trước thềm Đại hội lần thứ XV. 

Vấn đề tuy không còn mới, nhưng luôn được Đảng Cộng sản Liên bang Nga và các Đảng Cộng sản trên thế giới tập trung đánh giá, phân tích từ nhiều năm nay, ở nhiều góc độ, và ngay tại Hội thảo này là những nguyên nhân nào dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây? Về điều này, Tổng thống Nga, V. Putin, năm 2005 đã nói một câu mà nhiều người còn nhớ: Liên Xô tan rã chính là bi kịch địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX. Câu trả lời: Nguyên nhân chủ quan là trực tiếp và chính yếu. Đó là, sự phản bội, sự lạc lối, tha hóa, từ bỏ các nguyên tắc sống còn về chính trị tư tưởng, về bản chất giai cấp của Đảng, về công tác xây dựng Đảng của một số kẻ trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu lúc đó; là sự phản bội trắng trợn lợi ích của Đảng, của chế độ, của nhân dân; là việc buông lỏng công tác tư tưởng, công tác tổ chức-cán bộ, công tác kiểm tra Đảng… Những yếu kém, tha hóa, mục nát từ bên trong được nhân lên khi có tác động mang tính phá hoại vốn luôn điên cuồng từ bên ngoài. Mặt khác, việc đánh giá không đúng, không đầy đủ, thậm chí rất chủ quan, khinh suất tương quan lực lượng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, những khả năng mới của chủ nghĩa tư bản, cũng là nguyên nhân đóng vai trò không nhỏ.

Dù những điều tồi tệ, đau đớn nhất đã xẩy ra. Dù các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị “thừa gió bẻ măng”, ra sức xuyên tạc, chống phá cách mạng thế giới. Và ngay trong hàng ngũ cách mạng, cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, của chủ nghĩa xã hội; quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do "sai lầm từ học thuyết dẫn đường, nền tảng tư tưởng", do đó, phải quay lại “con đường chung của nhân loại”, “con đường tự do” là chủ nghĩa tư bản. Ngay ở các nước mà Đảng Cộng sản đang cầm quyền, là Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc, cũng có những người mơ hồ, nghi ngờ, thậm chí lén lút sám hối con đường mà dân tộc mình đã chọn. Thì đây, hãy nghe tiếng nói trí tuệ, tâm huyết của những người cộng sản đang sống trong lòng chủ nghĩa tư bản, hiểu và kiên trì đấu tranh với những bất công, tha hóa, phản động của nó.

Đồng chí Philip Voitếch, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc và Môravia (CPBM) cho biết, một trong những thành công của CPBM là còn giữ được Đảng, tên của Đảng. Những năm qua, CPBM hoạt động trong điều kiện bị đàn áp chính trị khốc liệt cộng với những xu hướng cực đoan trong xã hội. Phần lớn các phương tiện truyền thông Séc và Môravia được giới cực hữu tài trợ, thuê mướn, đã tấn công điên cuồng chống Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, CPBM vẫn trung thành với học thuyết của C. Mác và V.I. Lênin. Càng ngày, người dân nước này càng thấy giới cầm quyền không mang đến điều gì tốt đẹp đáng kể cho họ. Chế độ phúc lợi, mức độ trong sạch của bộ máy, an ninh và trật tự xã hội... đều thua kém ngày xưa, khi còn chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Bây giờ, những người cộng sản đã bắt đầu được lắng nghe, được tín nhiệm. Đảng CPBM giành được 25% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử gần đây và tình hình đang tốt lên.

Đồng chí P.M.Guyêrâyrô, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, cho rằng, hiện Bồ Đào Nha đang trong một tình thế rất khó khăn do sự độc đoán của chính quyền, sự chi phối gần như tuyệt đối của các tập đoàn tài chính xuyên quốc gia. Chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Tương lai của đất nước phụ thuộc hoàn toàn vào IMF, EU và Ngân hàng châu Âu. Tất cả các phúc lợi xã hội bị cắt giảm, điều kiện sống tụt dốc. Đảng xác định ba vấn đề lớn: giải phóng dân tộc, quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên chiến lược và sự trở lại của các quyền xã hội của người dân.

Nữ đồng chí N.Mari, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Li Băng và một số đại biểu khác đề cập đến tình hình chính trị-xã hội ở Trung Đông và Bắc Phi hiện nay. Ở đó, bàn tay của chủ nghĩa đế quốc can thiệp, lật đổ các chính quyền không chịu “tuân lệnh” đã không còn ngụy trang, giấu giếm. Chẳng có “mùa xuân Ả rập” nào cả. Chỉ có bạo lực, đánh bom tự sát, nội chiến, lật đổ, tranh cướp tài nguyên, chà đạp lên các quyền của con người, kể cả quyền được sống, quyền tự quyết của các dân tộc.

 2. Chủ nghĩa tư bản tiếp tục khủng hoảng

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng chủ nghĩa tư bản đang mang tính toàn cầu rất cao. Ở các nước tư bản phát triển, việc giải phóng sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ thu được kết quả to lớn. Để đối phó với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chính quyền các nước này đã có những điều chỉnh nhất định, kể cả chế độ phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, nó không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, hay như Mác khẳng định: chủ nghĩa tư bản đang hủy hoại chính ngay những nhân tố làm nên sự giàu có của nó là lao động và tài nguyên. Sau khi mô hình chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa tư bản ở các nước này không mang lại điều gì có tính “phát triển” đáng kể ngoài việc khai thác cạn kiệt tài nguyên đất nước, gây ô nhiễm và hủy hoại môi trường; xóa bỏ hoặc cắt giảm các phúc lợi xã hội rất tiến bộ và nhân văn trước đây; đẩy mạnh “tự do hóa”, “tự do mới”, tạo điều kiện để một số cá nhân, nhóm lợi ích thâu tóm, thậm chí ăn cướp tài nguyên, của cải, thành quả lao động của xã hội; tạo thêm khoảng các giữa kẻ giàu và người nghèo; chạy đua vũ trang, gây xung đột, chiến tranh... Sau khi Liên Xô tan rã, nước Nga lúc đó tưởng rằng sẽ được gần gũi với Mỹ và phương Tây. Nhưng, cay đắng thay, NATO và EU còn lạnh lùng tiến về phía Đông, thọc mũi dao vào bên sườn và sau lưng nước Nga. Năm 1999, Mỹ và NATO tấn công Nam Tư; năm 2003 tấn công Irắc; năm 2011 tấn công Libi và can thiệp trắng trợn vào Bắc Phi, Trung Đông, làm “Mùa xuân Ả Rập”. “Chủ nghĩa tự do mới” chiếm ưu thế hơn hai thập niên cuối thế kỷ trước, hiện đang bất lực trước khủng hoảng, không phải là lý thuyết phát triển, mà dựa trên sự bóc lột nguồn tài nguyên của những nước yếu hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế, bắt đầu từ năm 2008 ở nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước ở các châu lục. Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công, những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Theo giới nghiên cứu quốc tế, những kẻ bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng trầm trọng của chủ nghĩa tư bản, thậm chí, đang tìm kiếm sự phục hồi trong kinh nghiệm của chủ nghĩa xã hội trước đây và hiện nay. Chẳng thế mà những năm qua, nhiều người, nhiều giới ở phương Tây đã phải đọc lại, đọc kỹ bộ Tư bản luận của C. Mác, đến độ các nhà xuất bản ở Đức, ở Anh còn ấn hành cả phiên bản sách tiếng (audio book).

Đồng chí G.Buicô, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Ucraina lên tiếng báo động nguy cơ “phát xít hóa” ở nước này và một số nơi ở châu Âu. Ở Ucraina, thời gian gần đây có nhiều đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đứng đầu là Đảng Tự do, do giới tư bản đầu sỏ cầm đầu, đang hô hào những khẩu hiệu giống như Hítle từng hô hào trong Chiến tranh thế giới thứ hai… Hiện nay, đảng này đã có 37 ghế trong Quốc hội Ucraina mới được bầu. Ngay ngày làm việc thứ hai của Hội thảo, báo chí Ucraina và Nga phát đi một tin ghê rợn: ở Kháccốp (Ucraina),  Vlađimia Trôphimốp cùng vợ, người con trai và bạn gái của con trai đã bị chặt đầu tại căn hộ của mình vào sáng 15 tháng 12, đúng ngay Ngày nhân viên Tòa án Ucraina. Vào năm 2000, một vụ giết người ghê rợn khác xảy ra với nạn nhân là nhà báo Ghêorghi Gôngadze, người đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống khi đó là Lêônhít Kuchma về tội tham nhũng.

3. Vượt khó để đi tới

Quay trở lại với bộ Tư bản luận của C.Mác. Ở quê hương ông, đúng vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế, tháng 8-2008, bộ Tư bản luận được tiêu thụ với con số 4.500 nghìn bản. Theo Hên Bút (Heinz Bude), nhà Xã hội học ở HămBuốc: "Lúc này, C. Mác có lẽ là nhà triết học kinh điển được đọc nhiều nhất trên thế giới". Để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn với bộ Tư bản luận, phiên bản sách tiếng của tác phẩm với 6 đĩa CD, chứa hơn 6 giờ đọc có mặt ngay sau đó trên thị trường Đức và các nước khác. Trong di sản của C.Mác để lại, có ba phát kiến vĩ đại làm thay đổi thế giới: Quan điểm duy vật về lịch sử;  Học thuyết giá trị thặng dư và Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đây là những phát kiến mà theo Ph.Ăngghen, nhờ đó, người ta có thể tìm ra quy luật phát triển của lịch sử, tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và của xã hội tư sản do phương thức ấy đẻ ra. Ph.Ăngghen, và sau đó là V.I.Lênin, tiếp tục kế thừa và phát triển học thuyết của Mác.

Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết mở, cách mạng, khoa học, không cứng nhắc, giáo điều, có giá trị bền vững xét trong tinh thần biện chứng, nhân đạo và hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó. Kiên định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin là trung thành với bản chất khoa học và cách mạng của nó để không ngừng phát triển, làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng hoàn thiện, gắn liền với thực tiễn, soi sáng thực tiễn. Về di sản của C.Mác, năm 1995, một Hội thảo quốc tế về nhà tư tưởng vĩ đại này được tổ chức tại Paris, thủ đô nước Pháp. Hội thảo quy tụ hơn 500 đại biểu là những nhà chính trị, nhà triết học nổi tiếng trên thế giới. Nhiều đại biểu đã thống nhất đánh giá: “Gương mặt C.Mác vẫn là biểu tượng của sự phủ nhận trật tự đang thống trị và tư tưởng của Mác vẫn giữ nguyên giá trị và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại”. Nhà triết học tư sản đương đại người Pháp Giắc Đeriđa (Jacques Derrida) đã viết: “Mác là nhà tư tưởng vĩ đại của thế kỷ XXI. Nhân loại sẽ không có tương lai nếu không có Mác”. Một nhà khoa học Mỹ, từng được giải thưởng Nobel về kinh tế đã nói: Mác là một nhân vật quá lớn khiến chúng tôi ở phương Tây không thể để giành riêng ông ấy cho những người cộng sản. Ông ấy không phải là của riêng những người cộng sản, vì ông ấy là một người khổng lồ của khoa học.

Hội thảo “Phong trào cộng sản quốc tế hôm nay và ngày mai” nhận định: Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, dư chấn nặng nề và kéo dài của nó là một thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận tính chất khoa học, cách mạng, tiến bộ, nhân văn của học thuyết Mác-Lênin, của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các quốc gia, dân tộc và cả nhân loại. Thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục diễn ra, lúc đấu tranh, giằng xé khốc liệt, lúc phải đi qua những khúc quanh, tạm thời chịu những thất bại, những bước thụt lùi. Vì lẽ đó, không nên, không được nhìn nhận vấn đề hệ trọng này một cách đơn giản, phiến diện, càng không được nao núng, chùn bước, buông xuôi. Cuộc khủng hoảng của ngày hôm nay của chủ nghĩa tư bản là tự nhiên, như một tất yếu. Cần kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới và dẫn dắt nó bởi những người cộng sản.

Các Đảng Cộng sản, trong tham luận tại Hội thảo và trao đổi bên lề Hội thảo, đều khẳng định và tỏ rõ sự đánh giá cao trước nỗ lực và thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba, Lào, đặc biệt là của Việt Nam và những tiến bộ, thành công của phong trào cộng sản, cánh tả ở Mỹ Latinh và một số nước khác; coi đó là sự cổ vũ quan trọng, là minh chứng sinh động cho sức sống của chủ nghĩa xã hội, cho cuộc đấu tranh còn nhiều khó khăn của Đảng Cộng sản Liên bang Nga và các Đảng Cộng sản, cánh tả và công nhân trên toàn thế giới.

Trong bài phát biểu tham luận chính thức và trao đổi tại Hội thảo, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Từ khi ra đời cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, phong trào cộng sản quốc tế đã thực sự trở thành lực lượng hùng hậu, giữ vai trò là lực lượng tiên phong của cách mạng thế giới; có những cống hiến to lớn cho lịch sử phát triển của nhân loại; hình thành nên hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới trong nhiều thập niên. Hiện nay, tuy chưa thoát hẳn ra khỏi khủng hoảng, còn gặp muôn vàn khó khăn, nhưng ở hầu hết các khu vực trên thế giới, phong trào cộng sản quốc tế vẫn trụ vững, từng bước phục hồi và phát triển. Thành công của những quốc gia - nơi có Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, cũng như những thắng lợi của phong trào cánh tả Mỹ latinh và một số nước khác là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với phong trào cộng sản quốc tế trong điều kiện hiện nay. Điều mà các Đảng Cộng sản cần quan tâm là tập trung giải quyết cho được những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình phát triển; về xây dựng một xã hội thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội; về dân chủ, bao gồm dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội; về xây dựng Đảng vững mạnh, giàu sức chiến đấu, đủ năng lực lãnh đạo xã hội; về công tác vận động, tập hợp quần chúng để đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của lịch sử.

Sau biến cố chính trị ở Liên Xô và Đông Âu, mô hình chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nơi đó sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện hết sức khó khăn. Để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tạo ra cơ sở vật chất cho một xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt lên tư duy bảo thủ, giáo điều, khởi xướng và lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; chính trị - xã hội ổn định; an ninh, quốc phòng được củng cố; độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia được giữ vững; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa đã hình thành những nét cơ bản.

Có hai vấn đề lớn cũng được Hội thảo hết sức quan tâm là: Các Đảng Cộng sản chưa nắm được chính quyền hoặc bị mất quyền lãnh đạo xã hội, phải bằng các phương pháp phù hợp để tiến tới nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Nhưng với các nước mà Đảng Cộng sản đang nắm quyền từ nhiều năm, từ hàng chục năm nay, câu nói nổi tiếng của V.I.Lênin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn” luôn nóng hổi tính thời sự và sự cảnh báo nghiêm khắc. Nguy cơ đối với Đảng cầm quyền là một bộ phận cán bộ, kể cả cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, độc đoán, chạy chức quyền, quan liêu, thoái hóa, biến chất,v.v.. Từ đó, dẫn đến tình trạng xa dân hoặc dân xa lánh Đảng.

Nhận rõ điều này, trong năm 2012, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị; đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. 

Về cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là tìm tòi, kiến tạo một kiểu xã hội mới, khác về chất so với trước. Đó là sự nghiệp cách mạng vĩ đại, đầy khó khăn, thách thức. Các Đảng Cộng sản, nhất là Đảng Cộng sản cầm quyền, phải không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giác ngộ, tập hợp và phát huy cao độ sự ủng hộ rộng rãi, sự tham gia cách mạng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, do tính chất toàn cầu hóa, Đảng Cộng sản phải vừa đứng vững trên mảnh đất hiện thực của đất nước mình, vừa phải theo sát tình hình thế giới; luôn kiên định nghĩa Mác-Lênin; tiếp tục nghiên cứu, phát triển, bổ sung những thành tựu mới nhất về lý luận; vận dụng có tính nguyên tắc, tính sáng tạo học thuyết khoa học và cách mạng này trong chặng đường tiếp theo./.     

TS. Nguyễn Thế K
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất