(TG) - Để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, sắp tới Bệnh viện dã chiến số 2 Bình Dương dự kiến sẽ được thiết lập trên một phần nhà xưởng của công ty BWID đặt tại KCN Mỹ Phước 4, phường Thới Hòa – thị xã Bến Cát với quy mô 5.000 giường.
Với đặc điểm địa hình sát cạnh TP. Hồ Chí Minh – điểm nóng về dịch bệnh, tỉnh Bình Dương ghi nhận số ca mắc Covid-19 ngày càng tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế Bình Dương, tính từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương ghi nhận hơn 8.410 ca mắc Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều kế hoạch thiết thực để dập dịch, trong đó đáng chú ý là kế hoạch xanh hoá “vùng đỏ, vùng vàng”, khoá chặt “vùng xanh”.
Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã nỗ lực không ngừng trong công tác triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục nhằm khống chế số ca mắc Covid-19. Cụ thể tại các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo phương châm “03 tại chỗ” , “01 cung đường, 02 điểm đến”.
Đồng thời ngành Y tế cũng đang thần tốc tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các công ty, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Bản đồ vùng dịch trên địa bàn tình Bình Dương
Vừa qua, ngày 24-7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ phát động tiêm chủng vaccine và ra quân phun khử khuẩn diện rộng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch dập dịch cho từng vùng riêng biệt để bảo đảm việc khoá chặt các vùng an toàn. Theo đó sơ đồ các vùng dịch được phân chia cụ thể: TP. Thuận An, TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, Thị xã Tân Uyên là 4 thành thị nằm giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh với mật độ F0 cao được gọi là vùng đỏ; Thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng mật độ F0 thấp hơn được phân loại vào vùng vàng; còn lại 3 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên được xem là vùng xanh an toàn.
Để sẵn sàng cho kịch bản xấu hơn của diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm diện rộng, điều tra dịch tễ, truy vết, cách ly, lấy mẫu, những nơi nào đã xét nghiệm sàng lọc phải khóa chặt, kiểm soát người ra, người vào; thực hiện trả kết quả xét nghiệm nhanh cho người dân, công nhân lao động không quá 12 giờ. Thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm…để sớm phát hiện, đưa ngay F0 đi điều trị.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương đang nỗ lực để bảo vệ vùng xanh và xanh hoá vùng đỏ vùng vàng, theo đó những người không có nhiệm vụ đặc biệt đi từ các vùng đỏ, vàng về vùng xanh thì buộc phải cách ly tại nhà. Bên cạnh đó tiếp tục quét nhanh F0 trên địa bàn vùng vàng để sớm xanh hoá và khoá chặt các vùng xanh. Riêng vùng đỏ, Bình Dương lên kế hoạch test virut diện rộng nhiều lần để bóc tách các trường hợp F0 đưa đi cách ly điều trị. Do đặc điểm diễn biến phức tạp nên vùng đỏ sẽ xét nghiệm ít nhất 3 lần để đảm bảo không bỏ sót F0.
Đồng thời Tỉnh uỷ Bình Dương vừa thống nhất thực hiện giãn cách xã hội cao hơn một bước so với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để giữ vùng vùng xanh, ngăn chặn vùng đỏ và giảm thiểu các ca F0 mới trong cộng đồng. Từ đó sớm ổn định lại đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.”
Phun khử khuẩn diện rộng phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao kế hoạch khoanh vùng dập dịch của tỉnh Bình Dương, ông Dương Chí Nam, Cục phó Cục Quản lý môi trường Y tế, đại diện tổ Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với kế hoạch triển khai dập dịch của tỉnh Bình Dương. Phương án này hết sức phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay của tỉnh, khi khống chế được các vùng đỏ, chuyển hoá được các vùng vàng về vùng xanh thì việc chống dịch của Bình Dương ắt sẽ thành công.”
Để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, sắp tới Bệnh viện dã chiến số 2 Bình Dương sẽ được thiết lập trên một phần nhà xưởng của công ty BWID đặt tại KCN Mỹ Phước 4, phường Thới Hòa - Thị xã Bến Cát với quy mô 5.000 giường. Trước đó, sáng 25-7, đoàn công tác Bộ Y tế do ông Dương Chí Nam, Cục phó Cục Quản lý môi trường Y tế làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã tới thực địa để khảo sát khả năng đáp ứng cơ sở vật chất tại Bệnh viện dã chiến số 2.
Với dự báo số ca bệnh có thể lên đến 15.000 – 20.000 người, tỉnh Bình Dương đang cần sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương để nâng cao năng lực điều trị, xét nghiệm, sớm làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam,” xuống “vùng vàng” và nhanh về "vùng xanh" trên bản đồ Covid-19./.
Thu Cúc