Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Sáu, 23/7/2021 10:23'(GMT+7)

Lan tỏa việc tử tế, cùng nhau vượt qua đại dịch

Các anh nuôi của bếp ăn Ban Chỉ huy quân sự huyện Châu Thành (Long An) chuẩn bị bữa ăn phục vụ người dân trong khu cách ly. (Ảnh: Vân Anh/nhandan.vn)

Các anh nuôi của bếp ăn Ban Chỉ huy quân sự huyện Châu Thành (Long An) chuẩn bị bữa ăn phục vụ người dân trong khu cách ly. (Ảnh: Vân Anh/nhandan.vn)

Làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư với nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc mới liên tục ở mức 4 con số mỗi ngày là điều chưa từng xảy ra ở nước ta, khiến nhiều người không khỏi lo âu. Hàng loạt tỉnh, thành phố phải giãn cách theo Chỉ thị 15, 16; đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng trong thời điểm khó khăn, đầy thử thách này, chúng ta được chứng kiến vô vàn hành động, việc làm đầy ấm áp, tử tế tại khắp mọi vùng miền của đất nước và tinh thần đó đã không ngừng được lan tỏa. Đó chính là nguồn sức mạnh vô giá để cả cộng đồng cùng vượt qua đại dịch.

Được mệnh danh là “thành phố không ngủ”, và được JLL (Công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu) xếp vào tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới nên khi gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Dân số đông nhất nước, tập trung nhiều lao động đến từ nhiều tỉnh, thành phố, nên khi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sẽ có khoảng 23 vạn lao động tự do ở TP. Hồ Chí Minh mất việc, lâm vào cảnh thiếu thốn, không bảo đảm mức sống tối thiểu, bị đứt bữa kéo dài.

Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai gói cứu trợ tới tận tay các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn thì trong cộng đồng, nhiều tổ chức, cá nhân, tùy theo điều kiện, khả năng cũng đã có những việc làm thiết thực để tương trợ lẫn nhau.

Nổi lên trong những ngày qua tại TP. Hồ Chí Minh là nhiều bếp ăn từ thiện đã được thành lập và thường xuyên đỏ lửa với mong muốn giản dị là người Sài Gòn cùng chia sẻ những bữa ăn, cùng vượt qua dịch bệnh.

Tiêu biểu như bếp ăn tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên ở quận 1, hằng ngày cung cấp cho cộng đồng 4.000 suất ăn. Đến nay, ước tính Trung tâm đã thực hiện khoảng 80.000 suất ăn gửi tới các khu phong tỏa, cách ly, đơn vị y tế,… trong thành phố. Trước nhu cầu suất ăn ngày càng nhiều hơn,  Trung tâm dự kiến sẽ tăng lên 7.000 suất/ngày.

Hay bếp ăn của Nhóm từ thiện Hoa Tâm ở quận 4 cung cấp 1.200 suất ăn miễn phí mỗi ngày; rồi “Trạm cơm 0 đồng” của nhóm chị em ở quận 5 trao hàng nghìn suất ăn tới những người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư; nhóm “Bếp Mầm Xanh” do một số cư dân quận Bình Thạnh thực hiện gửi các suất ăn tới bệnh viện dã chiến; “Bếp nấu tiếp tế chống dịch COVID  nhà B” của cư dân thuộc nhà B, lô CD, chung cư Bình Khánh (TP. Thủ Đức) mong muốn tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; nhóm tình nguyện “Bánh mì 0 đồng” cần mẫn đi khắp các ngõ phố để tặng bánh mì, xôi, nước uống, khẩu trang y tế cho người lao động nghèo…

Trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng đã nhập cuộc, kịp thời triển khai các bếp ăn hỗ trợ người khó khăn. Như “Bếp ăn Thương Sài Gòn” do Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh tổ chức, mỗi ngày cung cấp trên 1.000 suất ăn gửi đến các bệnh nhân tại một số bệnh viện, nhân viên y tế, và người dân ở khu cách ly, người lao động đang vất vả mưu sinh; “Gian bếp 0 đồng” của nghệ sĩ Hữu Quốc phát 1.000 phần cơm chiều vào thứ tư hằng tuần và 1.500 suất ăn vào các ngày chủ nhật; “Bếp Chị em” của MC Kim Thảo hằng ngày cung cấp 1.200 phần cơm trưa dành cho người nghèo trên địa bàn thành phố; bếp ăn thiện nguyện của Câu lạc bộ Suối mát từ tâm với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày... 

Khi dịch bệnh lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố phía nam, mô hình bếp ăn thiện nguyện đã tiếp tục được nhân rộng với nhiều cách làm sáng tạo, năng động: ở Long An có “Bếp ăn nghĩa tình” do Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh tổ chức, “Bếp ăn bộ đội” do bộ đội và người dân chung sức thực hiện để hỗ trợ người dân trong khu cách ly; bếp ăn từ thiện của Giáo xứ Thạch An, Giáo xứ Long Thành thuộc Giáo phận Xuân Lộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; “Bếp ăn 0 đồng” của đoàn viên, thanh niên Phân hiệu Trường đại học Bình Dương tại Cà Mau; Bếp ăn thiện nguyện của Trường đại học Y - Dược Cần Thơ; “Nồi bắp 0 đồng” của người dân ở xã Nâm N’jang (Đắk Song, Đắk Nông) trên quốc lộ 14 dành tặng người về quê tránh dịch bị nhỡ bữa…

Có thể thấy những suất ăn thiện nguyện, gửi gắm yêu thương này đã phần nào giúp ấm lòng người ở tuyến đầu chống dịch, kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu cách ly, đỡ đần những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là lao động nghèo bị thất nghiệp, người vô gia cư.

Không để người dân nơi vùng tâm dịch bị đơn độc, chính quyền và người dân nhiều địa phương dù đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng đã có nhiều hoạt động chia sẻ tích cực, thiết thực như chi viện người hỗ trợ cho vùng dịch; tiếp tế trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm,… Trong các ngày 16 và 17/7, “Nhóm dễ thương” của bà con huyện Phú Tân (An Giang) đã tổ chức thu gom gần 10 tấn rau củ, 2,5 tấn gạo để kịp thời chuyển đến các bếp ăn ở bệnh viện dã chiến và các nơi bị phong tỏa tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày 21/7, cùng với việc tổ chức đón bà con đồng hương gặp khó khăn do dịch COVID-19 về sinh hoạt tại địa phương, góp phần “giảm tải” cho TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Nam còn mang theo 100 tấn nông sản, thực phẩm và 100 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ người dân của thành phố.

Cũng trong ngày 21/7, hơn 1.500 tấn hàng hóa gồm rau, củ, quả, trứng gà, nước mắm, cá khô,... do người dân các bản làng, xã, phường ở tỉnh Thanh Hóa tích cực quyên góp; gần 20 tấn nông sản của bà con huyện Đam Rông - một trong những địa phương có đông dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn của tỉnh Lâm Đồng, đã được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Và tại Cảng Bến Nghé, ngày 21/7, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh đã làm lễ tiếp nhận 352 tấn lương thực, thực phẩm do nhân dân Nghệ An ủng hộ thông qua chương trình “Vì thành phố mang tên Bác”.

Mọi sự giúp đỡ, sẻ chia của người dân cả nước trong lúc này đối với đồng bào vùng dịch là vô cùng quý giá, vì như cha ông đã răn dạy “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Điều đáng nói là trong hoàn cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, hơn lúc nào hết tinh thần sẻ chia, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau càng trở nên sáng rõ, trở thành một tâm thế chung của cả xã hội, là sự kết hợp giữa ý thức tự giác với hành động thiết thực, không ngừng nhân lên trong cộng đồng. Mỗi tổ chức, cá nhân, dù hoàn cảnh khác nhau, dù thông qua hội nhóm, đoàn thể hoặc tự thân đều mong muốn được góp sức, có việc làm ý nghĩa, thiết thực, kịp thời động viên nhau cùng vượt qua đại dịch.

Hằng ngày chúng ta được chứng kiến rất nhiều hành động đẹp và những câu chuyện cảm động như: người dân Đà Nẵng, Quảng Ngãi kho cá, kho thịt, tiếp tế lương thực cho đồng bào vùng tâm dịch; các “khách sạn cộng đồng” mở miễn phí giúp đỡ những người khó khăn, cơ nhỡ, không thể về quê; những đội thanh niên tình nguyện đi chợ giúp người dân trong khu phong tỏa; chủ nhà trọ không lấy tiền thuê nhà của khách trọ là lao động nghèo thất nghiệp; những em bé dành tiền nuôi heo đất để giúp đỡ người dân vùng dịch; bao gạo và thùng mì của người dân bên đường để tặng lái xe ôm công nghệ có thêm bữa ăn cầm cự trong những ngày giãn cách; người dân trong khu cách ly chia nhau từng túi cá khô, chai nước mắm; người bán rau không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá mà còn sẵn sàng tặng miễn phí cho người khó khăn... Ngay cả việc làm nhỏ nhưng đầy ân tình của hai chiến sĩ công an huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) mua giúp hàng của một cụ bà do không có thông tin nên lỡ ra ngoài bán măng trong ngày đầu giãn cách, rồi tận tình đưa cụ về tận nhà... cũng nhanh chóng được người dân lan tỏa, trở thành niềm cảm hứng trong cộng đồng.

Mới đây nhất là chuyện cảm động của bốn mẹ con gặp khó khăn bởi dịch bệnh đã phải đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An. Sau khi đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm về đến quê, họ đã từ chối không nhận thêm tiền hỗ trợ với mong muốn được nhường cho người khó khăn hơn. Những việc làm, hành động đó đã cho thấy dù cuộc sống khó khăn đến đâu thì với người Việt Nam, tình nghĩa, mối tương thân tương ái và lòng tự trọng vẫn không hề vơi mỏng. Thậm chí bối cảnh dịch bệnh có thể đặt nhiều người vào hoàn cảnh trớ trêu, khắc nghiệt, nhưng sự thiện lương, tử tế vẫn giúp họ khẳng định chân giá trị của bản thân và hơn thế nữa, còn có thể góp phần nhỏ bé của mình để giúp cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cấp bách nhằm từng bước ngăn chặn, kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19. Nổi lên trong đó là kế hoạch tiêm vắc-xin đang được triển khai rộng rãi để tăng cường miễn dịch cộng đồng, và việc cung ứng vật tư y tế, lương thực thực phẩm cho vùng dịch được bảo đảm…

Cùng với sự vào cuộc của các tổ chức, đơn vị, cá nhân đóng góp vào quỹ vắc-xin, thì hoạt động thiện nguyện, tương trợ lẫn nhau là hết sức cần thiết. Hành động, việc làm nghĩa tình giống như mầm cây âm thầm nảy nở trong mọi hoàn cảnh, giúp nhen lên trong mỗi chúng ta niềm tin yêu vào cuộc đời. Đó là nguồn năng lượng tích cực đang không ngừng lan tỏa, tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng, góp phần giúp chúng ta vượt qua khó khăn. Nói cách khác, truyền thống dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa đồng bào gắn kết, tấm lòng sẻ chia trong gian khó chính là nguồn lực nội sinh, tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc để chiến thắng dịch bệnh.

Việt Nam đã thành công trong ba đợt dịch trước, được thế giới ghi nhận. Đợt dịch lần thứ tư nguy hiểm, phức tạp hơn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, tin tưởng rằng dịch bệnh tại Việt Nam sẽ sớm bị khống chế, từng bước bị đẩy lùi./.

Thành Nam (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất