Thông cáo của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước
đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà
nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại
Iraq và Syria, hai quốc gia có đường biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai tổng thống xem xét chương trình trang bị và huấn luyện cho lực lượng
chống đối tại Syria mà Washington cho là "ôn hòa" và những nỗ lực chung
nhằm mang lại sự ổn định và an ninh cho hai quốc gia trên.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đề ra những mục tiêu và biện pháp nhằm
ngăn chặn làn sóng công dân các nước tới Syria và Iraq để tham gia thánh
chiến, coi đây là mối đe dọa an ninh toàn cầu cấp bách. Trong cuộc điện
đàm, Tổng thống Obama cũng đánh giá cao vai trò của Ankara trong việc
hỗ trợ gần 2 triệu người Iraq và Syria chạy sang nước này lánh nạn.
Diễn biến mới đây tại Yemen và tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và
nhóm P5+1 (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là
Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) cũng nằm trong nội dung
cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc điện đàm lần này diễn ra theo đề
xuất của Tổng thống Erdogan và sau khi Saudi Arabia và các nước vùng
Vịnh phát động chiến dịch không kích chống lại lực lượng phiến quân
Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite tại Yemen. Tuy nhiên, Iran đã lên án
động thái này vì cho rằng đây là "một bước đi nguy hiểm," vi phạm “trách
nhiệm quốc tế và chủ quyền quốc gia." Ngay sau đó, Tổng thống Erdogan
đã phản bác lại tuyên bố trên và cho rằng Tehran đang cố gắng "thống
trị" Trung Đông.
Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ hành động quân sự trên đồng thời cam kết
hỗ trợ Saudi Arabia và các nước đồng minh về tình báo và hậu cần./.
Theo TTXVN