(TG) - Phát huy truyền thống vẻ vang ngành tuyên giáo của Đảng và lịch sử 71 năm công tác tuyên giáo tỉnh Lào Cai (1947 – 2018), trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai đã không ngừng nỗ lực cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ tỉnh thành các đề án chuyên đề về thực hiện công tác tuyên giáo mang lại hiệu quả thiết thực.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong triển khai nhiệm vụ công tác tuyên giáo tỉnh Lào Cai. Nếu như các nhiệm kỳ trước đây công tác tuyên giáo chỉ được nêu khái quát trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh hoặc ban hành nghị quyết thực hiện với các nội dung thiếu tính cụ thể, ít có nguồn lực thực hiện thì đến đây, công tác tuyên giáo đã được cụ thể hóa bằng 2 đề án chuyên đề mang tính kế hoạch hóa, phân kỳ thực hiện, định lượng nội dung, nhiệm vụ bằng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và bố trí nguồn lực thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIV và chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với các cơ quan trong khối tuyên giáo, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xây dựng và trình Tỉnh ủy ban hành Đề án về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng và khoa giáo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015” (Đề án số 25).
Đây là kết quả của quá trình khảo sát, tổng hợp số liệu, đánh giá thực trạng bộ máy tổ chức, trình độ chuyên môn và lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở vật chất kỹ thuật… của toàn ngành tuyên giáo Lào Cai. Trên cơ sở đó, Đề án số 25 đã xác định mục tiêu chung và 5 nhóm mục tiêu cụ thể gắn với 5 nhóm nhiệm vụ tương ứng, 4 nhóm giải pháp chủ yếu. Đề án có tổng số 53 mục tiêu, trong đó có 38 mục tiêu được lượng hóa chi tiết và phân kỳ thực hiện trong 5 năm, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và một số cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, 16 chỉ tiêu còn lại liên quan đến các đề án, chương trình mục tiêu khác.
Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án, trong số 38 mục tiêu thực hiện trực tiếp có 11 mục tiêu hoàn thành từ 100% trở lên (trong đó có 02 mục tiêu hoàn thành trên 100% là: Tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp ủy cơ sở và hội nghị cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và huyện nghe nói chuyện chuyên đề, những vấn đề mới về lý luận chính trị); 22 mục tiêu đạt từ 50% đến 99%; một số ít mục tiêu không thực hiện hoặc thực hiện đạt thấp do chủ trương điều chỉnh của Tỉnh ủy. Trong 5 năm (2011 – 2051), tỉnh Lào Cai đã bố trí gần 7 tỷ đồng phục vụ thực hiện các nội dung của Đề án.
Với tư duy và quyết tâm không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo, nhất là lĩnh vực tuyên truyền, vận động tại cơ sở, năm 2012 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp vơi Ban Dân vận Tỉnh ủy và các địa phương xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án thực hiện thí điểm mô hình Ban tuyên vận cấp xã và Tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố.
Điểm nổi bật của mô hình tuyên vận so với cách thức truyền thống là đã bố trí được một công chức chuyên tham mưu cho cấp ủy đảng cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, vận động; tài liệu, nội dung tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân được thực hiện nền nếp, thống nhất hằng tháng thông qua hội nghị tuyên vận và họp, phân công trong tổ tuyên vận; mục tiêu, nhiệm vụ công tác tuyên vận được xác định cụ thể gắn với đánh giá, chấm điểm hằng tháng ở cả 3 cấp từ tỉnh đến xã; kinh phí phục vụ thực hiện được bảo đảm hằng năm.
Sau 5 năm thực hiện thí điểm với nhiều cuộc khảo sát, đánh giá, tổng kết, nhất là những hiệu quả thực chất của mô hình mang lại trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở, trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, văn minh đô thị, năm 2016 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU, chuyển công tác tuyên vận từ giai đoạn thực hiện thí điểm trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp. Với 164 xã, phường, thị trấn thành lập Ban tuyên vận, gần 2.000 tổ tuyên vận được thành lập và hoạt động nền nếp tại các thôn, tổ dân phố, vị trí, vai trò công tác chính trị tư tưởng và dân vận các cấp tỉnh tỉnh đến cơ sở đã không ngừng được củng cố, nâng cao.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và yêu cầu thực tiễn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Đề án về “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng chính trị, tuyên truyền vận động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 – 2020” (Đề án số 17).
Trên cơ sở đánh giá những kết quả, hạn chế của công tác tuyên giáo cũng như dự báo tình hình, Đề án số 17 đã đưa ra 5 mục tiêu, 2 nhiệm vụ lớn trong đó có 15 nhóm nhiệm vụ cụ thể, 5 nhóm giải pháp chủ yếu. Với Đề án số 17, giai đoạn 2016 – 2020 công tác chính trị tư tưởng, vận động quần chúng của Đảng bộ tỉnh được cụ thể hóa bằng 57 chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 22 nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động như bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ làm báo cáo viên, tuyên truyền viên, vận động quần chúng tại cơ sở, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, tổ chức hội thi cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng giỏi, tổ chức hội nghị báo cáo viên; 35 nhiệm vụ về học tập chỉ thị, nghị quyết, cập nhật kiến thức, biên soạn lịch sử đảng, nắm bắt dư luận xã hội, công tác văn hóa văn nghệ, tổng kết thực tiễn các lĩnh vực thuộc công tác tuyên giáo…. gắn với phân kỳ thời gian, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan đơn vị thực hiện.
Thống kê trong 3 năm thực hiện (2016 – 2018) có 25 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu về công tác tuyên truyền, vận động, nhất là tuyên truyền miệng; tỉnh đã bố trí trên 25 tỷ đồng bảo đảm cho việc thực hiện các nội dung của Đề án.
Tự hào truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng và bắt kịp yêu cầu thực tiễn là một trong những yếu tố quan trọng để Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng như ngành tuyên giáo Lào Cai nỗ lực sáng tạo, vượt qua thử thách, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Lào Cai, luôn xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận công tác chính trị tư tưởng của Đảng./.
Phùng Nam Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai