Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp có phần hỗ trợ học nghề để người lao động tái hoà nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các trung tâm dịch vụ việc làm, số người học nghề rất ít, thường không quá 5% mỗi năm.
Thất nghiệp tăng, nhưng học nghề giảm
Tại phiên giao dịch việc làm lưu động quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mới đây, chị Dương Thu Hà (25 tuổi) đã nghỉ việc được 2 tháng nay, cho biết: “Tôi đang nhận bảo hiểm thất nghiệp nhưng không tham gia học nghề vì thấy một số ngành nghề không phù hợp như nấu ăn, làm bánh, lái xe… Mức hỗ trợ học nghề là 1,5 triệu đồng/tháng và thời gian không quá 6 tháng. Với mức hỗ trợ này, thủ tục lại phức tạp nên khó theo học”.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng từng năm, nhưng số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) về hỗ trợ đào tạo nghề lại đang có xu hướng giảm.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, trong 3 năm qua, việc giải quyết thất nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang có xu hướng tăng dần về số người nộp hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số người lao động nộp hồ sơ và hưởng BHTN tăng lên, nhưng số người hưởng chính sách về đào tạo nghề hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới thì lại có xu hướng giảm và đặc biệt là năm 2023 giảm rất sâu.
Thông tin cụ thể tình hình thực hiện hỗ trợ học nghề đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2021 đến năm 2023, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vũ Thị Thanh Liễu cho biết: Số người lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt qua từng năm là: Năm 2021 có 63.363 người; năm 2022 là 71.717 người; năm 2023 là 84.984 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 10.741 người.
Tuy rằng số lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhưng số người có quyết định học nghề lại giảm, cụ thể là: Năm 2021 là 1.075 người; năm 2022 là 1.590 người; năm 2023 là 778 người và 2 tháng đầu năm 2024 là 117 người. Và số lao động tham gia học nghề rất thấp, năm 2021 là 558 người, năm 2022 là 1.117 người, năm 2023 là 487 người và 2 tháng đầu năm 2024 có 36 người. Các ngành nghề chủ yếu được người lao động lựa chọn đăng ký học là: Kỹ thuật nấu ăn, Kỹ thuật pha chế đồ uống, Lái xe ô tô hạng B2 và C, Tin học văn phòng, Làm bánh ngọt và một số ngành nghề khác.
Thầy Trần Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trường mới tuyển sinh được 172 học viên. Tất cả theo học nghề lái xe ô tô, trong đó năm 2021 là 96 người, năm 2022 là 44 người, năm 2023 là 27 người, 2 tháng đầu năm 2024 mới có 5 người.
Thầy Trần Việt Hùng cho biết, trong các năm vừa qua, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong công tác tư vấn, tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, đối với Trường trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội, các đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ đăng ký học nghề lái xe ô tô hạng B2 và hạng C trên tổng số gần 30 nghề trình độ sơ cấp của nhà trường tổ chức đào tạo. Các lao động thất nghiệp sau khi được đào tạo xong, nhà trường đã phối hợp với trung tâm tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm để học viên nhanh chóng trở lại với thị trường.
Theo thầy Trần Việt Hùng, công tác đào tạo nghề cho đối tượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhà trường nói riêng và các cơ sở đào tạo trên toàn quốc nói chung còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Số lao động đăng ký học nghề thường không tập trung về thời gian đào tạo đã gây khó khăn cho các cơ sở dạy nghề trong việc tiếp nhận học viên, mở các lớp đào tạo; Do chi phí học trợ cấp cho người lao động thất nghiệp học nghề thấp nên người lao động phải bù thêm học phí để tham gia học nghề. Cùng với đó là chi phí nhà ở, sinh hoạt đắt đỏ tại thành phố khiến họ không mặn mà với việc học nghề hoặc có thể bỏ dở khóa học nghề.
“Để chính sách, đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động phát huy hiệu quả, trong thời gian tới cần bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề như: bổ sung nội dung hỗ trợ đi lại, ăn ở ngoài mức học phí…”, thầy Trần Việt Hùng đề xuất.
Sửa các quy định học nghề phù hợp với thực tế
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, các chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Luật Việc làm đã được Quốc hội thông qua từ năm 2013 cho đến nay và một số nghị định do Chính phủ ban hành, đã quy định các chính sách rất nhân văn cho người thất nghiệp. Nhưng số người hưởng chính sách BHTN về hỗ trợ đào tạo nghề lại đang có xu hướng giảm là do sự không thiết tha của người lao động, công tác thông tin truyền thông chưa tới được người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mức kinh phí đào tạo còn thấp....
Thực tiễn cho thấy, nhiều người lao động chưa khai thác tối đa quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề khi bị mất việc. Đa số chỉ mong muốn nhanh chóng tìm ngay công việc mới, nên số lượng người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp đăng ký học nghề ít, chưa hiểu rõ được các nghề đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động với các nghề đào tạo…
Khắc phục tình trạng số lượng người lao động bị mất việc đăng ký học nghề còn thấp, lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội cho rằng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cần làm tốt hơn công tác tư vấn, tuyên truyền đối với người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương thức đào tạo linh hoạt, đáp ứng được tiêu chí “người học có thể học mọi lúc, mọi nơi”, thuận tiện sắp xếp các công việc cá nhân đăng ký lượng kiến thức học phù hợp năng lực; tăng cường xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo…
Cũng từ thực tế trên, tại Luật Việc làm sửa đổi đang lấy ý kiến các chuyên gia, người dân, Bộ LĐTBXH cho rằng, quy định về điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này. Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động, đến nay có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN để đào tạo duy trì việc làm cho 8.230 người lao động, tuy nhiên số doanh nghiệp được hỗ trợ còn thấp. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN.
Do đó, Luật Việc làm sửa đổi kiến nghị sửa theo hướng: Quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ trong các trường hợp: Vì lý do kinh tế theo quy định tại Bộ luật Lao động; Thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh; Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định của Bộ luật Lao động và Quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi cho người sử dụng lao động dễ tiếp cận chính sách (bao gồm điều kiện về đóng đủ BHTN; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt).
Bên cạnh đó, giai đoạn 2015-2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề (ví dụ: chi phí ăn ở, đi lại, …) dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó, Luật Việc làm sửa đổi đề xuất sửa đổi chế độ hỗ trợ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng: Mở rộng phạm vi hỗ trợ, không chỉ hỗ trợ người lao động tham gia khóa đào tạo nghề mà cả các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; Bổ sung nội dung hỗ trợ (tiền ăn) cho người lao động trong thời gian tham gia đào tạo mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Báo Tin tức