Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 16/12/2009 19:25'(GMT+7)

Lấp đầy khoảng cách thế hệ

Vì thế, cha mẹ không thể hiểu được con cái mình đang nghĩ gì, thích gì, ham mê gì. Ngược lại, con cái cũng không hiểu cha mẹ, thiếu tôn trọng người sinh ra mình.

Làm thế nào để lấp đầy khoảng cách giữa các thế hệ? Theo TS. Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học xã hội học Việt Nam: Cha mẹ không ngừng học hỏi cái mới thì khoảng cách thế hệ sẽ được rút ngắn

** Thưa ông, hiện đang có hai luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, trong thời đại internet ngày nay, khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng lớn và khó san lấp. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, thời buổi ngày nay dân chủ hơn xưa và khoảng cách giữa các thế hệ được thu hẹp lại. Tiến sĩ nghĩ sao về hai luồng ý kiến này?

TS Trịnh Hòa Bình: Có một bộ phận người lớn tuổi không cập nhật kiến thức, không sử dụng được các phương tiện mới nên tụt hậu, và họ chẳng thể nào hiểu nổi suy nghĩ của con trẻ ngày nay. Còn những bậc cha mẹ luôn cập nhật kiến thức mới, theo sát những tiến bộ khoa học kỹ thuật thì họ dễ đồng cảm với suy nghĩ của con trẻ hơn. Tôi cho rằng, cha mẹ không ngừng học hỏi để khỏi bị tụt hậu thì khoảng cách thế hệ sẽ được rút ngắn lại. Tôi thấy là luồng ý kiến thứ hai có phần đúng hơn trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển mạnh sang xu hướng phát triển bền vững.

** Thưa ông, vì sao thế hệ cha, chú cũng đã từng trải qua thời kỳ tuổi trẻ, nhiều kinh nghiệm nhưng lại ít cảm thông với giới trẻ?

TS Trịnh Hòa Bình: Cái sự ít cảm thông thường xuất phát từ việc giữ lâu cách nhìn nhận. Xã hội Việt Nam với nền sản xuất tiểu thủ nông nghiệp, mọi người thường có xu hướng tích cốc phòng cơ, ăn chắc mặc bền, giữ gìn tất cả mọi thứ nghiêm ngặt. Thế hệ cha, chú thường sử dụng thước đo đó, cách nhìn nhận như vậy để úy chụp vào suy nghĩ của giới trẻ, vì vậy xảy ra tình trạng không hiểu nhau.

** Tiến sĩ có cho rằng, trong gia đình ngày nay, ai là người kiếm tiền thì người ấy có quyền ra quyết định, bất kể già, trẻ?

TS Trịnh Hòa Bình: Đúng là trong gia đình, người nào làm ra của cải vật chất nhiều hơn thì thường có tiếng nói quyết định. Điều này hoàn toàn hợp logic với dòng chảy của thế giới mới.

** Như vậy, người trẻ là những người chưa tự chủ được về kinh tế sẽ phải chịu sự áp đặt của người lớn?

TS Trịnh Hòa Bình: Mâu thuẫn thế hệ thì đời nào cũng có và mâu thuẫn này ở chừng mực nào đấy cũng tạo ra xung lực cho sự phát triển xã hội. Bởi sự tạm thời thua kém của giới trẻ đặt ra thách thức hối thúc họ phải tích cực vượt lên chứ không mãi lệ thuộc. Nếu xung đột thế hệ dẫn đến việc triệt tiêu các xung lực của xã hội, làm cho xã hội phát triển không đúng hướng thì mới đáng quan ngại.

** Để giải quyết mâu thuẫn giữa các thế hệ đòi hỏi mỗi bên phải biết tôn trọng và lắng nghe nhau. Ngoài sự tôn trọng và lắng nghe, theo tiến sĩ có cần lưu ý thêm điều gì nữa không?

TS Trịnh Hòa Bình: Biết lắng nghe nhau là điều tốt. Tuy nhiên, không chỉ lắng nghe mà cần đối thoại. Đối thoại để có sự kế thừa, phát huy văn hóa, giữ được bản sắc, giữ được cái hồn của dân tộc nhưng đồng thời cũng phải tiếp thu văn hóa, văn minh nhân loại. Mâu thuẫn giữa các thế hệ không giải quyết bằng thỏa hiệp một chiều mà bằng thỏa hiệp nâng cấp. Điều này sẽ giúp cho xã hội có bước chuyển với tốc độ của thời đại mới nhưng đồng thời vẫn đạt được sự hài hòa.

** Theo Tiến sĩ thì truyền thông có vai trò như thế nào trong việc trang bị những kỹ năng sống, giúp giải quyết mâu thuẫn thế hệ?

TS Trịnh Hòa Bình: Truyền thông không nên chỉ là những bài rao giảng lý thuyết, không ngấm vào trong hành động, ứng xử hằng ngày của mọi người. Chúng ta nên thông qua truyền thông để truyền đạt và phổ quát những kỹ năng sống trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày, đặc biệt trong những xử lý đòi hỏi tính trách nhiệm cao và tính hướng đích cao đối với những giá trị đầy nhân bản của dân tộc.

** Tiến sĩ cho một lời khuyên để mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình nếu có thì cũng nhẹ nhàng và bớt gay gắt hơn?

TS Trịnh Hòa Bình: Chúng ta nên thấy bình thường khi xảy ra va chạm về chính kiến, sai khác nhất định về thị hiếu, mô hình chuẩn mực. Nếu xảy ra va chạm như vậy, các thành viên trong gia đình phải ứng xử một cách bình tĩnh, cắt nghĩa và tìm hiểu nguyên nhân từ đâu để tìm cách điều hòa.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!./.

Cha mẹ hãy là người bạn lớn của con

Các bạn trẻ tại sao phải quá buồn và tuyệt vọng khi chỉ cần buồn một chút là được. Tại sao phải ghét khi một chút không thích là ổn. Tại sao phải điên tiết khi hơi giận một tí là đủ. Như vậy các bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thoải mái. Các bạn trẻ cũng hãy bớt đi sự ích kỷ, tự ái của bản thân để hiểu và thông cảm với cha mẹ mình. Hãy hiểu rằng, đằng sau những lời nói có phần gay gắt, nặng nề của cha mẹ trước hết là tình thương và trách nhiệm của người cha, người mẹ luôn muốn con cái vươn lên hoàn thiện mình. Cha mẹ hãy luôn là người bạn lớn của con cái mình. Đừng tưởng những lời quát mắng, xỉ nhục khiến trẻ xấu hổ và nhanh chóng sửa được lỗi lầm. Hãy nhớ rằng, đứa trẻ lớn lên trong sự to tiếng, xỉ nhục của cha mẹ sau này chúng sẽ cục cằn, thô bạo, tiêu cực và nhụt chí. (Ông Trần Thành Nam, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội)

Tìm được tiếng nói chung

Trước đây, bố mẹ thường đối xử với em cứ như em còn là cậu bé mới 9, 10 tuổi. Từ chuyện ăn uống, quần áo đến việc chơi với bạn bè, bố mẹ đều muốn can thiệp vào. Bố mẹ thường hay áp đặt bắt em phải làm thế này, không nên làm thế kia mà chẳng cần biết đến suy nghĩ của em. Biết mẹ hay vào phòng lục lọi đồ đạc, em đã viết hết những suy nghĩ, những tâm sự của mình vào cuốn nhật ký. Quả nhiên là mẹ đã đọc được. Từ đó, mỗi khi quyết định chuyện gì, từ lớn đến nhỏ trong gia đình, bố mẹ thường hỏi ý kiến của em và không còn quản lý em gắt gao như trước. Thấy mình được tôn trọng, em cũng luôn cố gắng làm cho bố mẹ vui.  Theo em, nếu bố mẹ và con cái luôn tôn trọng nhau thì dễ tìm được tiếng nói chung. (Em Hoàng Minh Khánh, Trường PTTH Trương Định, Hà Nội)

Lớp học để cha mẹ hiểu con

Đa số phụ huynh đến với lớp học Dạy con tuổi mới lớn diễn ra tại Nhà Văn hóa phụ nữ TP. HCM đều có chung tâm trạng lo lắng, băn khoăn không biết vì sao đứa con ngoan ngoãn của mình trở nên khó bảo, thậm chí nhiều em dám cãi tay đôi với bố mẹ rồi bỏ về phòng mình đóng sập cửa lại tuyệt thực. Lớp học đặt ra tình huống: Một cô con gái đang nghe điện thoại của bạn bỗng thảng thốt kêu lên: “Trời ơi có chuyện đó sao? Mày không việc gì phải khóc”. Cô con gái vừa cúp điện thoại thì người mẹ mặt căng thẳng hỏi: “Chuyện gì vậy con?”. Cô con gái trả lời: “Đó là chuyện của con, không phải của mẹ!”. Người mẹ quát: “Mẹ là mẹ của con, mẹ không có quyền hỏi à? Con ăn nói với mẹ như thế sao?”. Các bậc phụ huynh sôi nổi thảo luận, sau đó, giảng viên đưa ra những cách tiếp cận. Ví dụ, thay vì hỏi: “Chuyện gì vậy con?”, bà mẹ trong tình huống trên có thể hỏi: “Bạn con khóc có nhiều không?”. “Bạn con đang ở trong nhà hay ngoài đường?”. Với cách hỏi này, con gái tự nhiên bị cuốn vào câu chuyện chứ không trả lời đối kháng với mẹ.

Cô Lê Tuyết Mai, một phụ huynh đang theo học cho biết: “Lớp học đưa ra những tình huống thường xảy ra trên thực tế để thảo luận nên phụ huynh về nhà có thể áp dụng ngay với con mình. Có nhiều chuyện mà trước đây tôi cứ nghĩ là mình đúng nhưng khi tham gia lớp học tôi mới thấy là mình sai. Tôi đã hiểu rằng, bố mẹ không nên chỉ suốt ngày la mắng, tra khảo con cái. Tham gia lớp học, tôi học được cách dạy con một cách khéo léo, uyển chuyển.”

Tại Hà Nội cũng đã xuất hiện những lớp học dành riêng cho các bậc cha mẹ có con tuổi vị thành niên. Chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn, giảng viên khóa học Nuôi dạy con tuổi mới lớn của Công ty Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng cho rằng: “Tuổi trẻ thời nào cũng thế, mong muốn mình có được chốn độc lập, riêng tư nhưng cha mẹ lại tìm cách kiểm soát con bằng việc kiểm tra điện thoại của con, rồi con đi vắng vào phòng con lục đồ. Các em coi đó là sự xúc phạm lớn. Các bậc phụ huynh nên tạo cơ hội để con thể hiện mình. Đôi khi bố mẹ cũng phải biết chấp nhận sự thất bại và cần hướng cho con ở từng tình huống theo tinh thần nâng đỡ. Theo sát con, tạo dựng được sự tin cậy, thân thiện để giúp chúng bày tỏ tâm tư một cách cởi mở”.

Ngoài những lớp học để tìm hiểu tâm sinh lý lứa tuổi mới lớn, trên mạng cũng thường diễn ra các diễn đàn bàn về Kỹ năng sống của giới trẻ. Nguyễn Minh Anh, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. TP. HCM, thành viên của diễn đàn mạng Kỹ năng sống, chia sẻ: “Các bạn trẻ không nên chỉ đòi hỏi sự chia sẻ của bố mẹ mà cũng cần đặt mình vào vị trí bố mẹ để suy xét tại sao bố mẹ mình làm vậy. Cha mẹ tôi cũng thường hay truy cập vào diễn đàn này và tìm thấy nhiều điều bổ ích”.

 

Theo Báo TNVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất