Kể từ ngày 1/1/2009, Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ có hiệu lực thi hành. Để việc thực thi Luật Thuế TNCN theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính vừa soạn thảo Thông tư hướng dẫn về thi hành Luật Thuế TNCN về các vấn đề cụ thể như: Đối tượng nộp thuế; phân loại thu nhập chịu thuế; kê khai và khấu trừ thuế TNCN cho những người phụ thuộc; giảm trừ các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo; căn cứ tính thuế; hoàn thuế...
Quy định rõ hơn về đối tượng nộp thuế
Điểm mới cơ bản nhất liên quan đến quy định về đối tượng nộp thuế là việc đưa cá nhân kinh doanh vào diện nộp thuế TNCN. Theo quy định trước đây, cá nhân kinh doanh thuộc diện chịu thuế TNDN. Sự thay đổi này sẽ đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập.
Dự thảo Thông tư đã xác định rõ hơn đối tượng cư trú có thu nhập chịu thuế. Nếu như trước đây, đối tượng cư trú chỉ là cá nhân có mặt ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ khi đến Việt Nam thì nay bổ sung thêm một điều kiện nữa được coi là cư trú ở Việt Nam, đó là "cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam".
Phân loại thu nhập chịu thuế, miễn thuế
Thu nhập chịu thuế chia thành thu nhập từ kinh doanh; tiền lương, tiền công; từ đầu tư vốn; từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản và các khoản thu nhập khác. Từ cách phân loại này, việc áp dụng thuế suất được quy định theo 2 hướng: Đối với thu nhập từ kinh doanh và tiền lương, tiền công, áp dụng biểu thuế suất luỹ tiến từng phần; các khoản thu nhập còn lại, áp dụng biểu thuế luỹ tiến toàn phần.
Ngoài ra, Dự thảo Thông tư bổ sung các khoản thu nhập sau vào diện miễn thuế: Thu nhập từ tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn lương làm việc ban ngày, làm việc trong giờ; lương hưu; học bổng nhận từ ngân sách Nhà nước và từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của Chính phủ; thu nhập từ viện trợ, từ thiện; thu nhập từ lãi trái phiếu chính phủ...
Áp dụng giảm trừ gia cảnh khi xác định nghĩa vụ thuế
Theo Dự thảo, trường hợp cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ tính giảm trừ gia cảnh 1 lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công.
Việc giảm trừ cho người phụ thuộc được thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ 1 lần vào 1 đối tượng nộp thuế trong năm tính thuế. Những người phụ thuộc được giảm trừ khá rộng, bao gồm: Con chưa thành niên, con đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, con tàn tật không có khả năng lao động; các cá nhân khác không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức quy định của Chính phủ (500.000 đồng/tháng trở xuống) hoặc không có nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn trường hợp anh em, vợ chồng có chung người phụ thuộc, việc tính đối tượng phụ thuộc cho cá nhân nào là do người nộp thuế tự thỏa thuận trong gia đình. Nếu không thỏa thuận được thì không được tính giảm trừ.
Cũng theo Dự thảo Thông tư, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế, không áp dụng đối với các khoản thu nhập khác.
Nhấn vào đây xem toàn văn Dự thảo Thông tư và góp ý.
PV- Theo Cổng TTĐT Chính phủ