(TCTG) - Hỏi : Hiện nay có nhiều thông tin nói về tác dụng của cây lược vàng có thể chữa được nhiều bệnh. Đề nghị Toà soạn cho biết tác dụng thực của cây lược vàng ?
Lê Huy, Tây Sơn Hà Nội
Trả lời : Đúng là trong thời gian qua, ở Thanh Hóa rộ lên những thông tin về tác dụng chữa bách bệnh của cây lược vàng: Dùng thân cây ngâm rượu uống hoặc ăn sống lá tươi với vài hạt muốn, hoặc ngậm để chữa các bệnh viêm họng, đau răng, đau mắt, đau lưng, đau khớp, chấn thương, huyết áp… Phong trào trồng cây lược vàng trong nhân dân ngày một phát triển. Thậm chí nhiều người ở các tỉnh ngoài như Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng…cũng tìm đến các gia đình có giống lược vàng để mua về trồng. Ngày 16/4/2008, được sự giúp đỡ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam và tài trợ cuả dự án Enable thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm trồng và quản lý cây lược vàng.
Thầy thuốc nhân dân Lường Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty dược, vật tư y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết một số thông tin ban đầu: Cây lược vàng còn có tên là cây lan vòi, cây lan rù, tên khoa học là Callifcia Franx, thuộc họ Thài lài. Đây là loài cây có nguồn gốc từ Mêxicô, ở Việt nam chưa có nghiên cứu nào về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng mà mới chỉ thấy sử dụng theo kinh nghiệm dân gian ở Thanh Hóa dưới dạng ngâm rượu dùng uống, ngậm hoặc xoa bóp…Để có luận cứ khoa học về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kiến nghị của Hội thảo trên, Tổng Công ty dược, vật tư Thanh Hóa đã đưa vào nghiên cứu sản xuất các dạng thuốc có tác dụng chữa bệnh từ cây lược vàng trên cơ sở tác dụng chữa bệnh đã được áp dụng trong nhân dân Thanh Hóa một số năm gần đây. Thời gian nghiên cứu từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2012 do Sở Khoa học công nghệ và Sở Y tế là cơ quan quản lý đề tài. Sản phẩm nghiên cứu gồm 2 loại: sirô lược vàng và rượu lược vàng. Các sản phẩm trên sẽ được tổ chức thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện Đông Y, bệnh viện Đa khoa, bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và bệnh viện đa khoa thành phố Thanh Hóa. Khi có kết quả nghiên cứu sẽ tiến hành lập hồ sơ đăng ký các dạng thuốc trình Bộ Y tế xét duyệt phê chuẩn và đăng ký lưu hành toàn quốc.
BS Phạm Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã khẳng định, những người làm công tác y tế hầu như không biết một thông tin khoa học đáng tin cậy nào về cây lược vàng cả trong nước và quốc tế., do đó không thể nói ngay đây là cây thuốc cũng như hiệu quả chữa bệnh của nó. Chỉ khi nào có kết quả nghiên cứu chính thức thì mới có căn cứ đánh giá khách quan.
Dược phẩm là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, vì thế cần thiết phải có những nghiên cứu, phê chuẩn, từ đó mới tiêu thụ, đảm bảo hai tiêu chuẩn: Hiệu quả và an toàn./.
Khương Bá Tuân
Liên hiệp Hội KHKT Thanh Hóa