Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 5/4/2014 16:1'(GMT+7)

Lễ hội đầu tiên ở Hà Nội thành di sản văn hóa quốc gia

Lễ hội Bình Đà (Ảnh: Vietnam+)

Lễ hội Bình Đà (Ảnh: Vietnam+)

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trong buổi lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội Bình Đà diễn ra sáng nay (5/4) tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Giá trị lịch sử sâu sắc

Hàng năm, lễ hội Bình Đà được tổ chức ở khu vực đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân và đình thờ Linh Lang Đại vương (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội); nhằm tưởng nhớ công lao của tiền nhân và giáo dục truyền thống lịch sử, “uống nước nhớ nguồn” cho cộng đồng. 

Theo ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Bình Đà là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn của cư dân Việt cổ. Lễ hội Bình Đà là một lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử sâu sắc với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, khác lạ như lệ cúng bò, lễ rước và thả bánh thánh…

Ngày 1/4 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 959/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Bình Đà là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trước đây, lễ hội Bình Đà diễn ra từ ngày 26/2-6/3 Âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức tập trung trong ba ngày từ 4-6/3 Âm lịch.

Năm nay, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai đề án nâng cấp lễ hội Bình Đà.

Theo đó, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn và có nhiều điểm mới so với những năm trước. Bên cạnh việc phục dựng một số nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, ban tổ chức đưa vào không gian lễ hội những yếu tố văn hóa đương đại: Trình diễn ánh sáng bằng công nghệ hiện đại vào các buổi tối trong thời gian diễn ra lễ hội diễn ra lễ hội (từ ngày 3/4-6/4, tức từ mồng 3-6 tháng Ba năm Giáp Ngọ).


Trình diễn ánh sáng tại Lễ hội Bình Đà (Ảnh: Vietnam+)

Hạn chế cải biên làm sai lệch lễ hội

Tuy nhiên, chính việc trình diễn ánh sáng này đã tạo nên những tranh cãi trong mấy ngày gần đây.

Khi chuẩn bị cho màn trình diễn ánh sáng, khu vực tiền môn được phủ vải trắng. Khu vực sân đền, ban tổ chức bố trí chín chiếc đèn laser và loa, đài công suất lớn.

Phần trình diễn này sẽ được thiết kế thành ba chương: Chương một tái hiện hình ảnh “Những ngôi đền và những vị thần bất tử trên thế giới,” chương hai mang tên “Thủy cung” (theo truyền thuyết, Lạc Long Quân thuộc giống rồng) và “Đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân theo chiều lịch sử” là nội dung của chương ba.

Giáo sư-tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng: “Việc trình diễn ánh sáng như vậy làm mất đi tính linh thiêng của không gian nơi này. Nói khác đi, đây là một việc làm phá hoại di tích, di sản văn hóa.”

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, giáo sư Thịnh cho hay, ông đồng tình với quan điểm bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là cứ “ôm khư khư” những gì vốn có. Tuy nhiên, khi đưa cách yếu tố mới vào một không gian truyền thống như vậy thì cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản: Không phá vỡ tính thiêng liêng của lễ hội, đảm bảo vai trò của chủ thể văn hóa (nhân dân) và đảm bảo mô thức nghi lễ truyền thống của lễ hội.

Trước quan ngại về việc “phá hỏng” lễ hội truyền thống, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam), người phụ trách việc xây dựng đề án nâng cấp lễ hội Bình Đà lý giải: Cách làm này theo mô hình bảo tồn gắn với phát triển, nhằm phát huy tốt hơn giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa.

“Chúng tôi đang dùng những yếu tố hiện đại để ‘tiếp thị’ cho truyền thống. Việc trình diễn ánh sáng được thực hiện ở phần ‘hội.’ Trong khi đó, phần ‘lễ’ với những nghi thức tôn nghiêm, linh thiêng vẫn được thực hiện đầy đủ. Hơn nữa, chúng tôi không làm bong tróc dù chỉ một mảng sơn của ngôi đền thì sao có thể gọi là phá hoại,” ông Thắng nói.

Thêm vào đó, ông Thắng cho biết, việc đưa yếu tố đương đại vào lễ hội còn nhằm thu hút công chúng (đặc biệt là giới trẻ). Theo ông, lễ hội vốn có chức năng giáo dục truyền thống. “Khi giới trẻ không tham gia, hứng thú với những lễ hội đó thì vấn đề đặt ra là những lễ hội này sẽ giáo dục ai?” ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Không chỉ có vậy, phó giáo sư Nguyễn Quang Thắng cho rằng, thu hút đông đảo công chúng, khách du lịch, tham quan cũng là cách di sản văn hóa “kiếm tiền để tự sống.” “Quan điểm của tôi là, lĩnh vực văn hóa không thể cứ mãi ‘ngửa tay’ xin tài trợ. Cũng như bao lĩnh vực khác, văn hóa cũng phải tự làm ra tiền,” ông Thắng cho hay.

Trước thực tế này, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn số 211/DSVH-PVT.

Công văn ghi rõ: “Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với chính quyền, cộng đồng địa phương triển khai xây dựng kế hoạch chi tiết bảo vệ và phát huy những giá trị di sản này đồng thời thực hiện công tác quản lý giám sát thực hành di sản tại cộng đồng. Việc tổ chức tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Bình Đà cần hạn chế tối đa các hoạt động cải biên, cải tiến, làm sai lệch di sản.”./.

An Ngọc (Vietnam+)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất