Chúng tôi đến nhà ông Canh đúng lúc nghệ nhân đang miệt mài khâu
từng đường kim mũi chỉ. Ông vừa làm, vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện
làng nón. Gương mặt ông hiện rõ sự xúc động.
Trong sâu thẳm ký ức của người nghệ nhân già vẫn còn nhớ đến những
năm tháng chiến tranh kéo dài làm xóa nhòa trong trí nhớ mọi người về
cách làm nón quai thao tinh xảo một thời. Người dân làng Chuông lúc đó,
phần thì ly tán, phần chết vì bom đạn, đói kém, số còn lại cũng chỉ duy
trì cách làm nón thông thường.
Ông Canh thuở ấy mới 16 tuổi đã vác ba-lô tham gia Vệ quốc đoàn, làm liên lạc cho Trung đội 27, Tiểu đoàn Đống Đa.
Khi hòa bình lập lại thì những nghệ nhân già nhất trong làng cũng đã
mất, không kịp truyền lại nghề cho con cháu. Từ đó, chẳng ai còn biết
cách làm nón cổ truyền ra sao nữa.
Năm 1954, với thương tật 2/4, ông Canh trở về nơi đã sinh ra mình
cùng người vợ quê gốc Nghệ An. Về làng thấy chẳng còn ai biết làm nón
cổ, ông xót xa khi chứng kiến nét đẹp của quê hương đang dần mai một.
Vậy là ý chí không ngại gian khổ của "anh Bộ đội Cụ Hồ" đã thôi thúc ông
khôi phục tinh hoa làng nghề. Ông bắt đầu cuộc hành trình làm "sống
lại" chiếc nón cổ quê mình. Dù chỉ còn một chân, nhưng ông vẫn gắng rong
ruổi khắp chốn, đến các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình...
tìm mua những chiếc nón thúng quai thao, nón dân tộc Thái cũ. Cả
tháng lăn lộn khắp các tỉnh để dò hỏi, nghe ngóng, hễ ở đâu có nón là
ông lại mày mò đến hỏi mua cho bằng được. Tìm khắp nơi, rồi run rủi thế
nào ông lại về Hà Nội, vào một ngôi chùa và tìm thấy một chiếc nón cổ.
Sau đó, ông đã tìm mọi cách mua lại được chiếc nón. Ông vui sướng mang
về tháo rời ra để nghiên cứu kích cỡ, kiểu dáng, cách khâu rồi ghi chép
lại một cách tỉ mỉ. Bằng trí nhớ của mình, ông hình dung lại cách làm
nón mà ngày xưa bà nội từng làm.
Thời gian sau, một số đoàn văn công, đoàn quan họ đã tìm về làng đặt
làm những chiếc nón cổ, nón thúng quai thao làm phục trang biểu diễn
càng làm cho ông quyết tâm khôi phục nghề khâu nón cổ truyền.
Khi nền kinh tế mở cửa, cũng là lúc nghề làm nón dần mất đi do nhiều
nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn do sản phẩm không có đầu ra. Có những lúc
tưởng chừng cả làng phải bỏ nghề. Ông Canh thổ lộ: Nhìn nghề nón cổ của
làng bị mai một, tôi thấy mình như mắc lỗi với tổ tông. Nhưng để khôi
phục không phải giản đơn, vì khó khăn kinh phí cộng thêm hàng loạt yếu
tố như nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ không tập
trung; chính quyền không có chính sách bảo vệ và phát triển nghề truyền
thống trong thời buổi sức cạnh tranh với các thương hiệu khác ngày càng
gay gắt.
Giờ đây, ở cái tuổi cổ lai hy, sức khỏe hạn chế nhưng nghệ nhân Phạm
Trần Canh vẫn không ngừng sáng tạo. Ngày ngày, ông vẫn cần mẫn với công
việc làm nón. Ông còn chỉ dạy cho nhiều người trong làng, với tâm nguyện
nghề này sẽ không bị thất truyền. Với nghệ nhân Phạm Trần Canh, duy trì
nghề làm nón là góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa
độc đáo của Việt Nam.