Từ diễn biến của các hiện tượng, có thể nói, hơn mười năm trở
lại đây, một bộ phận trong giới trẻ đang có xu hướng hào hứng chạy theo
một số hoạt động lễ hội của một số nước trên thế giới. Ðiều đó không
có gì đáng trách, nếu như những hoạt động này không chứa đựng dấu hiệu
của quan niệm nước ngoài có cái gì Việt Nam phải có cái đó và một số lễ
hội tôn giáo, tín ngưỡng ngoại nhập được tổ chức rầm rộ, trong khi
chắc chắn nhiều người tham gia không hiểu ý nghĩa của chúng ra sao?!
Một số trang mạng và kênh thông tin giải trí lại tích cực cổ vũ cho xu
hướng này, nhất là các lễ hội nước ngoài liên quan đến trao đổi quà, và
vì cũng chưa biết trao đổi quà trong ngày hội đó có ý nghĩa gì, nên
xuất hiện các biến dạng sai lệch so với ý nghĩa gốc, thậm chí còn có
biến dạng suy đồi. Như mới đây, nhân Noel (Nô-en), trên facebook của
Blue C - một công ty truyền thông, có công bố album nhan đề "Giáng sinh
Tây và nhà (nghỉ) ta!". 12 bức tranh trong album là so sánh sự khác
nhau giữa Lễ Giáng sinh ở Việt Nam và ở phương Tây, trong đó theo ý
tưởng của người vẽ thì Lễ Giáng sinh ở Việt Nam được hiểu là dịp để các
đôi trai gái đưa nhau vào khách sạn, nhà nghỉ! Cần nói rằng, đây là sự
tiếp cận rất thiếu văn hóa, nếu không nói có tính bôi nhọ. Bởi, người
am hiểu đều biết Giáng sinh là ngày lễ lâu đời, quan trọng của Kitô
giáo. Trong thời khắc chuyển giao giữa ngày 24 và 25-12, đồng bào theo
Kitô giáo cầu nguyện trong gia đình hay tại giáo đường. Hình tượng ông
già Noel, quà Noel ra đời muộn hơn và không phải người theo Kitô giáo
nào cũng bị hấp dẫn bởi ông già Noel; vì thế một số người không theo
Kitô giáo và chưa một lần đến nhà thờ lại mượn ngày lễ thiêng liêng của
Kitô giáo để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, coi Noel là dịp tổ chức chơi
bời, hưởng thụ, hưởng lạc đã là điều cần phê phán, và như thế, việc vẽ
tranh để so sánh còn đáng phê phán hơn.
Ngày lễ lớn của một tôn giáo vốn đã du nhập sâu trong tâm hồn các
công dân Kitô giáo ở Việt Nam còn bị hiểu và sử dụng như vậy thì việc
các lễ hội Valentine (Va-len-tai), Halloween (Ha-lô-uyn) trở thành dịp
để một bộ phận giới trẻ thoải mái thể hiện sự thiếu văn hóa, thiếu ý
thức của mình, cũng không ngạc nhiên. Hầu như hễ nhắc đến Valentine là
nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến việc tỏ tình, tặng quà; đôi khi, là tặng
vật đắt đỏ, giá trị kinh tế cao so với thu nhập của nhiều người trẻ mà
khá đông còn ngồi trên ghế nhà trường, giảng đường đại học. Số khác thì
đến ngày Valentine lại quay video rồi tải lên các trang mạng chia sẻ.
Trong video này, họ thường ăn mặc dị hợm như đội nồi, chậu, trùm chăn,
gõ bát đũa... cầu mưa trong các dịp 14-2, 14-3, 14-4 (?!). Và nói gì thì
các hoạt động này đã đi quá xa với ý nghĩa đích thực của ngày
Valentine - vinh danh thánh Valentine (người được cho là vị thánh bảo
hộ hạnh phúc vợ chồng, đôi lứa). Tuy nhiên đây không phải là một ngày
lễ chính thức của Kitô giáo, ngay cả chuyện về thánh Valentine cũng có
một số dị bản, Valentine không nhất thiết tổ chức vào ngày 14-2 mà tùy
thuộc vào quan niệm của mỗi cộng đồng. Theo một số nhà nghiên cứu, ý
nghĩa bảo hộ hạnh phúc gia đình của thánh Valentine ra đời khá muộn,
tương tự như trường hợp của thánh Nicolas (Ni-cô-lát) và hình tượng ông
già Noel. Bởi vậy, nó có ý nghĩa phụ, đính kèm. Trong ngày Valentine
tại nhiều quốc gia, các cô gái tự mình làm sô-cô-la để tặng người mình
yêu quý. Ngày 14-3 và 14-4 càng không liên quan tới lễ Valentine, chỉ
là ngày "ăn theo" của một số cộng đồng châu Á sau khi du nhập lễ
Valentine. Như ngày 14-3 được một công ty bánh kẹo ở Nhật Bản tổ chức
nhằm tăng lượng tiêu thụ sản phẩm; sau đó người Nhật Bản biến ngày này
thành buổi lễ nam giới đáp lại lòng thành của nữ giới. Tuy nhiên, thay
vì tự làm bánh kẹo, họ mua sô-cô-la trắng để tặng và thể hiện tình cảm.
Còn ngày 14-4, số là người Hàn Quốc chịu ảnh hưởng từ hai ngày lễ
Valentine của người Nhật Bản, từ đó coi ngày 14-2 là cho nam giới, 14-3
là cho nữ giới, 14-4 là cho người độc thân. Du nhập vào Việt Nam, ba
ngày lễ nêu trên đã không được hiểu theo nghĩa gốc, mà lần nào thì
nhiều bạn trai cũng cố gắng tặng món quà đắt tiền, có người muốn tỏ ra
"ga lăng" hơn nên trong ngày 14-3 tặng bạn gái... hoa hồng trắng (mà
không biết hồng trắng thường tượng trưng cho sự tinh khiết, gắn liền
với những biểu tượng âm tính như cái chết!). Như vậy, ý nghĩa đích thực
của ngày Valentine như bị bỏ qua, ý nghĩa trao gửi tình yêu chân thành
đã bị xem nhẹ.
Ngày Halloween mới rộn rã gần đây cũng theo mô thức nêu trên. Vào
ngày Halloween, phần lớn bạn trẻ tổ chức đi chơi, tặng quà... và xem
phim kinh dị! Trong khi, Halloween vốn là một lễ hội không chính thức
khác của Kitô giáo. Sau nhiều thế kỷ, lễ hội này trở thành lễ hội hóa
trang của các em bé, sau có thêm người lớn. Trong lễ Halloween, các em
bé hóa trang theo nhiều kiểu nhân vật trong sách vở, phim ảnh rồi tới
từng nhà, gõ cửa xin kẹo. Chủ nhà đưa kẹo và coi đó là việc làm sẽ đem
tới may mắn. Còn phim kinh dị gắn liền với Halloween là hiện tượng xuất
hiện rất muộn. Thực ra, cũng ít bộ phim kinh dị liên quan đến ngày
Halloween. Sở dĩ nhiều phim kinh dị được chiếu vào khoảng tháng 10 trùng
với dịp lễ Halloween là do thời điểm trước Giáng sinh, các hãng phim
lớn của Hollywood (Hô-li-út) dành các phim "bom tấn" cho dịp nghỉ lễ.
Do đó, tháng 10 là khoảng thời gian chiếu các phim kinh phí thấp và
phim kinh dị nằm trong số đó. Ðiều khôi hài là ở Việt Nam, Halloween
lại chỉ dành cho người lớn và việc hóa trang cho trẻ em hầu như không
được tổ chức, người lớn thì lại hóa trang càng ghê sợ càng thích thú,
chủ yếu để... dọa nhau, còn các rạp chiếu phim coi đó là dịp thu lời,
vào thời gian này, họ nhập khẩu phim kinh dị vừa ít vốn, vừa có lãi. Và
gần đây, các nhà làm phim Việt Nam cũng góp mặt bằng mấy bộ phim, mà
có lẽ chỉ kinh dị ở đoạn quảng cáo (trailer)!
Như vậy, việc Noel bị gán với chuyện đi nhà nghỉ, khách sạn,
Valentine gắn với tặng quà tốn kém, Halloween gắn với ma quỷ, chết
chóc,... đã làm phai nhòa ý nghĩa của các ngày lễ này. Thay vào đó, là
rất nhiều hiện tượng bắt chước nửa mùa, xấu xí, dị hợm, thậm chí biến
thành ngày thực hành trò nhảm nhí. Chẳng hạn, ngày "cá tháng tư", trong
phong tục của một số nước phương Tây, đây là "ngày nói dối", nên mọi
người được nói dối mà không bị xử phạt. Cũng vì vậy, trên báo chí những
nước này vào ngày 1-4 có nhiều thông tin sai sự thật, rồi chuyện lạ về
người ngoài hành tinh, ma quỷ, yêu quái. Trước đây, do thông tin chậm,
chưa hiểu rõ đặc trưng của ngày này, một số tờ báo Việt Nam cho đăng
tải cả các "chuyện lạ có thật" mà không biết đó là chuyện bịa nhưng
được "hợp pháp 100%". Gần đây, một số tờ báo ở Việt Nam cũng hưởng ứng
"ngày nói dối" bằng cách viết bài để... lừa độc giả! Cũng may, đây là
tin tức vô thưởng, vô phạt nếu không thì chỉ vì hành vi bắt chước mà
người viết có thể bị xử lý theo pháp luật. Một chuyện khác cũng đáng
lưu ý. Ðó là khi ngày 11-11 hằng năm được một số bạn trẻ ở Việt Nam xem
là ngày "độc thân". Mà xuất xứ của ngày này thì hết sức lãng xẹt, nó
khởi nguồn từ Trung Quốc, do bốn thanh niên chưa có người yêu nghĩ ra
(ở Trung Quốc, do tỷ lệ nam nữ quá chênh lệch nên điều này có thể thông
cảm được, tuy nhiên thời gian gần đây người Trung Quốc lại xem 11-11
là ngày tốt, vì có tổng là số chẵn). Còn ở Việt Nam hay trên thế giới,
việc người trẻ độc thân chưa phải là điều quá bất bình thường, chưa
phải là một vấn đề lớn của con người cần quan tâm, vậy mà một số bạn
trẻ lại lấy ngày 14-4 và 11-11 làm cái cớ để tổ chức liên hoan, tụ tập
nhậu nhẹt thái quá; một số nam thanh, nữ tú khác lại lên facebook than
thở đủ điều. Trong khi ai cũng biết hễ ngồi suốt ngày trước các thiết
bị điện tử, di động kết nối in-tơ-nét thì đương nhiên là sẽ thấy rất
buồn bã, đơn độc (!).
Trên thực tế, không phải đến hiện tại, Việt Nam mới du nhập lễ hội
từ nước ngoài, sự có mặt của những ngày lễ được gọi một cách dân dã như
"bánh trôi, bánh chay", "giết sâu bọ",... là sản phẩm thú vị của cha
ông chúng ta trong quá trình tiếp biến một số sản phẩm văn hóa từ nước
ngoài một cách uyển chuyển, để từ đó giúp người Việt Nam thêm quý trọng
tình cảm gia đình, tổ tiên, trân trọng và yêu quý trẻ em,... hoàn toàn
không nhằm mục đích vụ lợi, phục vụ sở thích cá nhân tùy tiện. Các
ngày lễ được du nhập từ thời bắt đầu có quan hệ với văn hóa phương Tây
cũng được tiếp biến một cách rất khoan hòa, không bài xích cực đoan, xử
lý theo hướng chọn lọc, lành mạnh. Và đã có nhiều lễ hội giúp người
Việt Nam thêm hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo, tín
ngưỡng của các nước trên thế giới; tiếp nhận và biến đổi nếu thích hợp
nhằm làm phong phú hơn nữa đời sống văn hóa; tạo không khí ấm áp, quen
thuộc, vơi bớt nỗi nhớ quê hương của người nước ngoài đến Việt Nam làm
việc, sinh sống, du lịch,... Như vậy, việc tiếp nhận các sinh hoạt lễ
hội từ nước ngoài là điều không xa lạ trong giao lưu tiếp biến văn hóa,
song tiếp nhận như thế nào lại là vấn đề khác. Cha ông đã để lại những
bài học có giá trị về chuyện này, vì thế cần kế thừa, sáng tạo để giải
quyết tốt bài toán hòa nhập nhưng không hòa tan trong bối cảnh lịch sử
mới.