Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 17/8/2016 14:54'(GMT+7)

Lễ hội mặt nạ chào Trung thu 2016


Chương trình là sự nối tiếp thành công của các dự án khơi dậy mạch nguồn di sản văn hóa truyền thống của nhóm Cùng Bé Sáng Tạo vào năm 2015 như “Cùng vẽ mặt nạ, vui Tết Trung thu”, “Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết”. Thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm mỹ thuật dân gian, nhóm muốn tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em nhỏ nhân dịp đêm Rằm, hướng các em đến ý thức người Việt yêu văn hóa Việt, sản phẩm Việt.

Năm nay, chương trình Lễ hội mặt nạ Trung thu sẽ được tổ chức tại Nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 4-9. Sự kiện ở TP.HCM sẽ được tổ chức nối tiếp ngay sau sự kiện ở Hà Nội 1 tuần, vào ngày 10-9, địa điểm dự kiến là Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Trên tinh thần học truyền thống để hiểu truyền thống, các em nhỏ tham dự chương trình có thể tự tay sáng tạo nên chiếc mặt nạ cho riêng mình, tham gia các trò chơi và trải nghiệm nghệ thuật. Ở chương trình năm nay, “Thằng Bờm”, một nhân vật quen thuộc với văn hóa Việt sẽ cùng các em nhỏ hai miền tham gia rước hội đêm Rằm. Đây cũng là biểu tượng cho sự viên mãn và ước vọng về mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp làm lúa nước.

Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, các bé sẽ cùng nhau sáng tạo bột màu trên quạt giấy – một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa. Mục đích giúp các em nhỏ phát triển tư duy khác về sáng tạo nghệ thuật từ những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài thông điệp về văn hóa truyền thống thông qua hình ảnh chiếc mặt nạ gửi trao, những người làm chương trình còn mong muốn mở rộng sự hiểu biết về nghệ thuật mặt nạ thế giới cho công chúng Việt. Lần đầu tiên, những chiếc mặt nạ châu Phi sẽ được giới thiệu trong không gian trải nghiệm của chương trình Lễ hội mặt nạ. Qua đó, tạo nên một sự giao lưu văn hóa thú vị, những cách tiếp cận mới với các hình thức tạo hình khác biệt trong văn hóa từng khu vực. Đây được xem như một sự kết nối các nguồn di sản.

Ban tổ chức sẽ mang những chiếc mặt nạ do các bé, các bạn sinh viên và họa sỹ vẽ tặng các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vui Trung thu. Đồng thời, mô hình thu nhỏ lễ hội mặt nạ sẽ được mang đến với các bạn nhỏ Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Đây là nơi sinh hoạt của những trẻ em có hoàn cảnh không may mắn từ 6 – 18 tuổi trên toàn huyện (gồm 26 xã và 1 thị trấn). Mục đích của Cùng Bé Sáng Tạo là tạo điều kiện cho các em nhỏ có hoàn cảnh thiệt thòi trong cuộc sống cũng được đón một cái Tết Trung thu bình đẳng như các bạn nhỏ khác. Buổi sinh hoạt mỹ thật dân gian đặc biệt này dự kiến được tổ chức vào giữa tháng 9 này.

Kết thúc hoạt động trải nghiệm, các bé có thể mang những tác phẩm do mình sáng tạo về nhà vui Tết Trung thu. Ban tổ chức cũng sẽ có những phần quà ý nghĩa dành tặng những em nhỏ có tác phẩm xuất sắc nhất tham gia chương trình và một tủ sách thiếu nhi tặng các em nhỏ của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn. Phần quà này do Alpha Books và NXB Trẻ tài trợ.

Sự kiện Lễ hội mặt nạ được khai mạc tại không gian linh thiêng Văn Miếu như một tiếp biến văn hóa, mở màn ý nghĩa cho mùa Trung thu năm 2016. Sau ngày tổ chức sự kiện chính ở 2 đầu cầu Hà Nội và TP.HCM, dự án sẽ kết hợp với một số các đơn vị khác như trường học, trung tâm văn hóa, công ty khác, nhà xuất bản… để thu hút được sự quan tâm của cộng đồng vào câu chuyện giáo dục di sản này.

Đây là chương trình phi lợi nhuận, được thực hiện với nguồn vốn xã hội hóa hoàn toàn, từ sự đóng góp của các cá nhân, tập thể, phụ huynh học sinh, do nhóm Cùng Bé Sáng Tạo bao gồm giảng viên, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các CLB mỹ thuật thiếu nhi, CLB Thiết kế trẻ và bạn bè của mình thực hiện.


 PGS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

Nói về giáo dục di sản, đa phần các bảo tàng, di tích của chúng ta hiện nay bắt đầu đưa vào các hoạt động giáo dục nhưng chưa đạt được tính chuyên nghiệp, nên hiệu quả chưa tốt. Nhiều cái gọi là giáo dục di sản nhưng lại đi theo con đường cũ, rất là thụ động. Trong khi đó, trong hệ thống giáo dục di sản hiện đại, nhất là với các bảo tàng, các khu di tích, phải làm sao kích thích được học sinh tham gia, sáng tạo, thoát khỏi cái gọi là học thuộc lòng hoặc kiểu hỏi đâu trả lời đó. Ở đây, là khuyến khích sự trải nghiệm. Các em nhỏ được làm, được sờ, được thể hiện và cảm nhận bằng tất cả các giác quan.

Để thực hiện tốt giáo dục di sản, tôi nghĩ, cả 2 phía phải thay đổi. Di tích, bảo tàng, nơi nắm giữ các di sản cũng phải thay đổi về nhận thức về giáo dục, phương pháp giáo dục, cách làm thế nào cụ thể hóa được di sản của mình một cách hấp dẫn nhất. Phía nhà trường cũng phải thay đổi cách tiếp cận với di sản. Hiện nay, các trường đưa học sinh của mình đi thăm di sản đông lắm, nhưng lại phó mặc vào các công ty du lịch, khoán mọi thứ cho họ, đơn thuần là đi thăm thôi, chứ học sinh thu nhận được cái gì thì không để ý lắm. Và muốn xây dựng chương trình trải nghiệm cao, thì phải đi theo từng lớp, theo từng nhóm nhỏ. Học sinh mới được thực hành. Đây chính là sự khác nhau cơ bản nhất trong nội dung giữa giáo dục di sản mới và giáo dục di sản cũ.

Hơn nữa, tôi cho rằng, giáo dục di sản phải làm thường xuyên, không đợi mùa vụ. Sân chơi đó không phải là một sân chơi tự do mà có tổ chức, có bài tập, có khám phá cụ thể. Nói điều này, lại phải nói lại sự kết hợp đồng bộ từ các đơn vị bảo tàng, di tích, nhà trường và cả xã hội.

Bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Thực ra, giáo dục di sản không mới, ở thế giới đã làm 20 năm trước rồi. Việt Nam mình bắt đầu từ năm 2008 - 2009. Tới năm 2010- 2013, đã có những dự án gắn di sản với nhà trường. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được những thay đổi tích cực như kỳ vọng. Mục đích của giáo dục di sản là giúp các em tự trải nghiệm, khám phá là chính. Người lớn chỉ là người gợi mở. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu thì chúng ta cũng phải lồng vào đó ngôn ngữ hiện đại để “cướp” lại giới trẻ về với văn hóa dân tộc, giãn dần với các trò chơi điện tử vô bổ, trống rỗng. Hiện, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang xây dựng nội dung chương trình giáo dục đặc biệt này tại đây. Vì những ý nghĩa thiết thực cho con trẻ, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sự kiện Lễ hội mặt na chào Trung thu này và hỗ trợ tốt nhất có thể.
 

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất