Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 15/8/2016 13:36'(GMT+7)

Nghệ nhân rối Bảo Hà: Đã mang lấy nghiệp vào thân…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, làng Bảo Hà trình diễn vở rối Đôi ngọc lưu ly

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh, làng Bảo Hà trình diễn vở rối Đôi ngọc lưu ly

Rối cạn tâm tình

Tiếng trống, mõ, đàn nhị vang lên, quyện vào bầu không khí hứng khởi và hồi hộp. Từng con rối xuất hiện uyển chuyển, nhẹ nhàng như bay dưới ánh đèn: Rồng uốn lượn oai phong, Lân hùng dũng ngạo nghễ, Rùa chậm rãi hiền lành; Phượng Hoàng thanh thoát, khoan thai… kéo theo tràng pháo tay giòn giã của khán giả. Sau bức mành, thấp thoáng bóng nghệ nhân chăm chú bắt từng động tác, đôi mắt lần theo chuyển động nơi bàn tay đang ẩn trong lớp vải. Tiết mục chưa đầy 10 phút mà các con rối như gói hết câu chuyện của đất trời, kể cho muôn đời. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm, làng rối Bảo Hà, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cho biết: “Ấy là tích cổ Tứ linh - Long, Ly, Quy, Phụng nổi tiếng của làng rối cạn Bảo Hà, kể về 4 con vật linh thiêng của tạo hóa âm dương. Sự xuất hiện của tứ linh là biểu tượng cho ước mơ quây quần, khát vọng hùng mạnh, hòa bình, trường thọ và vươn xa của con người”.

Cùng sử dụng các tích trò dân gian, nhưng thông qua con rối, người xem bỗng thấy sinh động, cuốn hút lạ kỳ. Tính ra cũng nửa thiên niên kỷ, rối đã là người bạn đồng hành, chia sẻ ngọt bùi với con người. Người nông dân giữ nghề rối như níu lấy tiếng cười của cuộc đời. Họ đem cái vất vả đồng áng gửi vào tiếng hát, đem chuyện buồn vui cuộc sống mà giải bày, dần phác họa nên diện mạo văn hóa tinh thần ở nông thôn. Bảo Hà là một trong 3 phường rối cạn cổ truyền Việt Nam. Đi từ nghề tạc tượng, các nghệ nhân đã sáng tạo, phát triển thành nghệ thuật rối. Độc đáo ở chỗ, cùng tạo mặt con rối nối với bán thân là que trụ, nhưng các nghệ nhân Bảo Hà chỉ từ một que gỗ - gọi là “tay trong” - có thể điều khiển con rối chuyển động.

Thần thái rối Bảo Hà cũng có nét riêng, phân thiện - ác rõ ràng. Chẳng hạn, tạo hình thần linh thì mắt sáng, râu dài, trán dô, miệng khẽ nhếch như đang cười; còn hình quỷ thì đầu bù tóc rối, môi thâm, mắt quắc vân đỏ vẻ dữ dằn, ghê gớm… Ngay màu sắc, kiểu dáng trang phục cũng phải tuân theo chuẩn nhất định chứ không thích gì chọn nấy. “Làm rối phải tỉ mỉ, nhập hồn vào nhân vật mà chạm khắc, đục đẽo, tô điểm cho chính xác, công phu. Để rối vừa xuất hiện đã thấy được tính thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân, rối vừa di chuyển người xem đã nhập tâm vào câu chuyện”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm nói.

Cả đời say với rối

 Theo nghệ sĩ Lê Giang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Six Space, cùng là nghệ thuật múa rối nhưng khi rối nước đang được quảng bá rộng rãi thì rối cạn hầu như sống rất khó khăn. Nghệ thuật múa rối cạn ở làng Bảo Hà dù chứa nhiều nét độc đáo trong tạo hình và cách trình diễn nhưng chưa được mọi người biết đến. Qua chương trình này, chúng tôi hy vọng khán giả hiểu thêm một loại hình nghệ thuật múa rối, biết được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân Bảo Hà, qua đó trân trọng nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Buổi biểu diễn “Rối cạn kể chuyện” của các nghệ nhân làng rối Bảo Hà tại không gian nghệ thuật Six Space, Hà Nội mới đây thu hút đông đảo khán giả. Nhiều người lần đầu tiên chứng kiến nghệ thuật múa rối cạn, đi từ ngạc nhiên đến thán phục trò giải trí tinh tế sinh ra từ làng quê mà giờ đây không còn phổ biến. Rối không thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật nở rộ khác. Vậy nên với nghệ nhân, diễn rối trước là cho mình, để vui với nhau, với làng xóm, sau là với những ai đến với mình và những ai mong mình đến. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hon: “Xưa kia suốt 3 tháng đầu năm mùa lễ hội, tiếng trống chèo rộn rã khắp làng là lúc phường rối tất bật. Nay không còn nữa, ngoài một số buổi giao lưu văn nghệ hay tháng cũng có đôi ba đoàn khách Tây về Bảo Hà xem diễn. Thế đã là quý rồi. Làm nghề có cái tâm yêu thích, ham mê, thôi thì nghèo về đồng tiền bát gạo nhưng giàu về tâm hồn cũng thích”.

Cũng vì cái “giàu” ấy mà nghệ nhân 79 tuổi này trở thành tay đàn kỳ cựu của làng. Mấy chục năm gắn bó, ông bảo: “Thứ nghệ thuật này một khi đã theo thì say lắm. Mà có vậy mới để cho khán giả nghe như thấy được tiếng lòng của rối, xem thấy được cái tình của nghệ nhân”. Biết bao nghệ nhân làng Bảo Hà đã dành cả cuộc đời để say với rối. Nhiều người tuổi cao tóc bạc, lúc cầm quân rối trên tay, nâng niu, chau chuốt bỗng thấy mọi nhọc nhằn tan biến, chỉ còn nụ cười hóm hỉnh, đôi mắt ánh lên trong trẻo, ân tình.

Nhắn trình chàng khoan khoan se sẽ/ Để thiếp tôi phân nỗi sự tình… (trích vở rối Đôi ngọc lưu ly). Hòa vào tiếng đàn dìu dặt khoan thai, nghệ nhân Phạm Minh Nhuận say sưa ngâm câu chèo cổ. Trong một khoảnh khắc, người và rối như đã chuyển qua nhau. Tại sao dù đứng sau sân khấu, các nghệ nhân vẫn vận trang phục tứ thân, áo the, khăn xếp? Cô cười: “Các cụ xưa dù có nghèo khó đến đâu khi biểu diễn cũng phải mang cái áo, cái khăn tử tế. Chúng tôi là lớp nghệ nhân đang thực hành di sản của cha ông truyền lại, phần phải noi theo, phần thể hiện tình cảm nâng niu, trân trọng nghiệp rối”. 

Lê Thư (daibieunhandan.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất