Trong Kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước liên lạc đóng vai trò đặc biệt quan trọng vì sẽ quyết định thống
nhất công tác chỉ huy và phối hợp chiến đấu. Trạm cơ vụ A69 Lèn Hà có
nhiệm vụ giữ vững và bảo đảm thông tin thông suốt từ Bộ chỉ huy tới các
mặt trận phía nam và vùng Nam Lào. Giặc đã huy động mạng lưới trinh sát
kỹ thuật, biệt kích gián điệp, đặt cả máy nghe trộm hòng tìm ra vị trí
đặt trạm của ta để hủy diệt. Ngày 2-7-1973, khi cả đội cơ vụ đang chuẩn
bị làm việc buổi chiều thì Mỹ bất ngờ thả pháo khói, làm máy móc hư hỏng
nặng và cướp đi sinh mạng của 13 cán bộ chiến sĩ khi tuổi đời còn rất
trẻ.
Tái
hiện câu chuyện có thật về những người lính thông tin tại Trạm A69 Lèn
Hà (Tuyên Hóa, Quảng Bình), vở diễn "Tóc mây Lèn Hà" (kịch bản: Bùi Vũ
Minh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) được Ban Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân
đội đầu tư dàn dựng với tất cả tâm huyết. Đại diện nhà hát đã cùng tác
giả kịch bản tiếp cận những nhân chứng sống của Trạm A69: vợ chồng cựu
chiến binh Nguyễn Thị Thanh - Đinh Công Thức, những người đã sống và
chiến đấu ở Trạm A69 để có được những tư liệu, chi tiết chân thực và
sống động nhất. Kịch bản "Tóc mây Lèn Hà" được thai nghén trong hai
năm, vở diễn được xây dựng năm 2015, đoạt giải thưởng trong Hội diễn
Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2015 cùng một số giải thưởng
cá nhân cho những vai diễn tiêu biểu.
Vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ
(1947-2016), Đoàn công tác Nhà hát Kịch nói Quân đội đã có chuyến về
nguồn, dâng hương tri ân 13 liệt sĩ tại Lèn Hà (Tuyên Hóa, Quảng Bình)
và biểu diễn hai đêm tại địa danh lịch sử này. Nhiều cảm xúc dâng trào
và lắng đọng khi các nghệ sĩ, diễn viên đứng trước những kỷ vật đơn sơ
mà vô cùng thiêng liêng: từ chiếc ấm đun nước, con dao phát cây mở
đường, đến chiếc máy tải ba, tổng đài 100 số, máy TCT1-2- những “người
đồng chí” đã cùng A69 làm nhiệm vụ giữ mạch máu thông tin thông suốt.
Rồi cây bồ kết đơm bông bên đài tưởng niệm, giếng nước tròn ngày nào
các chị múc nước gội đầu, chải tóc soi gương, và hang Lèn Hà với vách
đá tạc hình bông sen nở tự bao giờ trong hang sâu… Tiếng cười giòn của
tuổi trẻ xa quê như còn vang vọng đâu đây trong cánh rừng xào xạc. Có
thể nói, với ê-kíp tham gia vở "Tóc mây Lèn Hà", chưa bao giờ các nghệ
sĩ cảm thấy thiêng liêng đến thế trong công việc mình làm. Những đêm
diễn tri ân như xuất thần và làm rơi nước mắt của không ít khán giả.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: "Vở diễn hay ở diễn xuất, dàn dựng và
ký ức lịch sử khiến tôi nhiều lần khóc”.
Hành trình về nguồn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân
đội là một trong những hoạt động nhằm tuyên truyền rộng rãi các chính
sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về truyền thống uống nước nhớ nguồn,
đền ơn đáp nghĩa. Mỗi đêm diễn với các nghệ sĩ, diễn viên là một cảm
xúc, một ấn tượng khác nhau. Đặc biệt, đêm diễn tại huyện Tuyên Hóa, bà
con đến chật kín sân chiếu bóng. Đồng chí Hồ Vũ Thường, huyện ủy viên,
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa nói: “Nhân dân địa phương đã từng
nghe kể lại câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của các chiến sĩ thông
tin A69 Lèn Hà, nhưng qua chương trình nghệ thuật Nhà hát Kịch nói Quân
đội tái hiện, người dân càng thêm hiểu về truyền thống anh dũng, bất
khuất của những chiến sĩ đã bỏ mình vì nước”. Là người con của xã Thanh
Hóa, huyện Tuyên Hóa, người gắn bó và dành nhiều tâm sức trong việc
đưa Lèn Hà trở thành một di tích lịch sử, Bí thư huyện ủy Tuyên Hóa
Hoàng Ninh Đề cho rằng: “Vở kịch Tóc mây Lèn Hà” thành công, lột tả
được quá trình chiến đấu thầm lặng của các chiến sĩ thông tin, sự hy
sinh mất mát rất lớn lao của các anh chị A69 Lèn Hà. Vị trí A69 Lèn Hà
lúc đó kể cả dân bản địa cũng không biết được. Để Lèn Hà trở thành một
di tích lịch sử cấp quốc gia là cả một quá trình. Hẳn các anh chị liệt
sĩ cũng mãn nguyện vì sự hy sinh của mình đã được bạn bè trong nước,
quốc tế, kể cả bà con nhân dân địa phương biết đến”.
Điều đáng nói là, Nhà hát Kịch nói Quân đội luôn quán triệt tới từng
cán bộ, chiến sĩ, nghệ sĩ: hành trình tri ân không chỉ là một phong
trào được tổ chức theo kỳ cuộc mà phải là một hành động thường xuyên,
liên tục. Nhân vật người chiến sĩ luôn hiện hữu trong các tác phẩm của
Nhà hát Kịch nói Quân đội, góp phần đưa những hình tượng cao đẹp ấy
sống mãi cùng lịch sử. Sân khấu Kịch nói Quân đội khẳng định phẩm chất,
vẻ đẹp của Anh bộ đội Cụ Hồ, góp phần nâng cao tính giáo dục, tính
thẩm mỹ cho khán giả trong và ngoài Quân đội.
VŨ HOÀNG HẠNH (nhandan.com.vn)