Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 9/2/2011 20:26'(GMT+7)

Lễ hội Tịch điền năm 2011

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trong không khí đầu Xuân cờ hoa rực rỡ sắc mầu, sân khấu chính được dựng ngay trên bờ ruộng theo phong tục đàn cầu an xưa với lá cờ phướn chủ đạo mang dòng chữ “Thần nông” nổi bật chính giữa lễ đài, tung bay đón gió, hai bên cờ nhỏ với những câu mang ý nghĩa đề cao vị thế của nông nghiệp- nông thôn- nông dân. Trên mảnh ruộng rộng trước sân khấu, đi tới đâu cũng thấy cảnh người già, trẻ em, nam thanh nữ tú tươi cười, tay trong tay hoà chung niềm vui, hoà với tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã.

Trong nhiều tài liệu sử sách còn ghi, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mở ra một trang sử mới cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Kể từ đó, Lễ Tịch điền trở thành một hỷ tục các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Từ đó đến nay, Lễ Tịch điền đều trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Mặc dù Lễ hội chính thức được tổ chức vào sáng mùng 7 tháng giêng nhưng từ 2 ngày trước, ngay tại bờ ruộng làm lễ đã diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao như thi đấu bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, chơi đu, đi cầu khỉ, bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đi ván, kéo co... thu hút hàng nghìn người tham gia tạo nên không khí tưng bừng khắp xã Đọi Sơn. Điểm thu hút người dân nhất tại Lễ hội là 15 chú trâu béo, khoẻ mạnh, rắn chắc được tuyển chọn cách đây một tháng. Anh Lưu Xuân Duân, thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, chủ của chú trâu được chọn cày những đường đầu tiên tại lễ hội vui mừng cho biết, được chọn trâu cày đã là vinh dự lớn cho gia đình, nay lại được chọn trâu cày những đường đầu tiên, gia đình phấn khởi lắm, hy vọng năm nay mùa màng sẽ bội thu. Ông Nguyễn Văn Lưu, 71 tuổi, người thôn Nội chỉ cho chúng tôi biết những yêu cầu đối với một chú trâu được chọn, đó là: sừng cánh ná, da bình vôi, bàn quản dày, kheo mèo, máng hẹp, tam sơn kín... nghe có vẻ dài dòng nhưng tựu chung lại, chú trâu đó trước hết phải có dáng vẻ to lớn, khoẻ mạnh.

Đúng 7 giờ sáng, lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu làm lễ tịch điền được cử hành uy nghiêm, trang trọng bao gồm dàn trống hơn 50 chiếc của đội trống thôn Đọi Tam cùng hòa tấu rền vang. Tiếp đó là màn biểu diễn múa rồng của đội rồng thôn Đọi Tín, hoà chung vào tiếng trống rộn ràng. Xung quanh bờ ruộng là 280 lá cờ thần được xếp đều, người cầm cờ cũng được tuyển chọn từ 7 thôn trong xã. Uy nghi trang trọng, kiệu rước bài vị của vua Lê Đại Hành được đặt trên vai các trai đinh lực lưỡng. Sau kiệu vua là kiệu Long đình và kiệu Bát cống. Các cụ cao niên chỉnh tề trong áo the khăn xếp theo hầu kiệu. Sau màn múa rồng, đại diện lãnh đạo UBND huyện Duy Tiên trịnh trọng đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội, lễ dâng hương diễn ra trang trọng, uy nghi. Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các vị bô lão cùng dân làng kính dâng những nén nhang thơm tưởng nhớ công lao những người đi trước. Bà Nguyễn Thị Hiếu, 52 tuổi, người thôn Đọi Tín phấn khởi cho biết: "Đây là năm thứ 3 tham gia Lễ hội Tịch điền, nhưng mỗi năm một cảm xúc, năm nay tôi rất phấn khởi vì năm vừa qua mùa màng bội thu, con cái thành đạt, năm nay tôi đi Lễ hội cầu trời cho mưa thuận gió hoà, cầu cho bình an".

Liền sau đó, những chú trâu khỏe mạnh với cặp sừng cong vút cùng với những chiếc cày đã sẵn sàng cho những đường cày thẳng tắp. Trong tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng trống rền vang, bô lão Đinh Trọng Tế ở thôn Đọi Nhất, năm nay đã 83 tuổi khoác áo Long bào nhập linh khí quân vương khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên và đông đảo người dân tham gia lễ hội, lật lên những lớp đất nâu, tơi xốp, phơi mình trong nắng Xuân.

Năm nay, Lễ hội Tịch điền được tổ chức như có ý nghĩa hơn, được coi là một sự kiện chính trị nhằm tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X) của Đảng về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Bên cạnh đó, Lễ hội sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của địa phương theo tinh thần của Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong không khí đầu Xuân, Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là từ vị vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình./.

Đức Phương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất