Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 5/2/2011 18:12'(GMT+7)

Bảo tồn di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam: Trách nhiệm nhân đôi

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại buổi lễ đón bằng công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (tháng 12-2010)

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại buổi lễ đón bằng công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (tháng 12-2010)

Tự hào bản sắc văn hóa Việt Nam

Chưa bao giờ hai chữ “Việt Nam” lại được xướng danh nhiều lần tại UNESCO như trong năm 2010. Và lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm hoạt động của UNESCO, Hà Nội - thành phố duy nhất của toàn cầu được tổ chức uy tín này công nhận 3 di sản thế giới trong một năm, đó là: 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Di sản tư liệu thế giới; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới; Hội Gióng ở đền Gióng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Vì sao chúng ta có một năm bội thu về di sản văn hóa như vậy? Nguyên nhân sâu xa nhất phải kể đến và tự hào về cha ông ta có tài, có trí, có tầm nhìn; dân tộc ta có truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời kết tinh trong những di sản cụ thể. Còn những nguyên nhân trực tiếp, theo ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, thì do năm 2010 thủ đô Hà Nội tròn 1000 tuổi nên ngay từ đầu, UNESCO đã ủng hộ nước ta bằng việc thông qua Nghị quyết khuyến cáo và đề nghị các nước thành viên hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -  Hà Nội. Cùng với đó, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Hay nói gọn lại là chúng ta đã phát huy tốt ưu thế, sức mạnh của hoạt động ngoại giao văn hóa. Nhưng, cái cốt lõi nhất, theo tôi, chính là những đề cử di sản văn hóa của nước ta đệ trình UNESCO đã được lựa chọn, thẩm định chặt chẽ và lập hồ sơ khoa học một cách chu đáo, đáp ứng đủ các tiêu chí của UNESCO đặt ra.

Còn theo TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), thành công đó bắt nguồn từ việc nước ta chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Mấy năm trở lại đây, công tác giới thiệu, tuyên truyền di sản văn hóa của Việt Nam được mở rộng trên nhiều phương diện như: Trao đổi đoàn, hợp tác nghiên cứu, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế một cách thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, ngành di sản Việt Nam đã hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về di sản như: ICOM (Hội đồng bảo tàng quốc tế), ICOMOS (Hội đồng quốc tế về các di tích và di chỉ), ICCROM (Tổ chức quốc tế nghiên cứu bảo vệ tài sản văn hóa)…

Nhằm quảng bá, tôn vinh, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi ảnh nghệ thuật “Các di sản thế giới ở Việt Nam” từ tháng 12-2010 đến hết tháng 7-2011. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức sẽ lựa chọn những bức ảnh xuất sắc để triển lãm tại Hà Nội, Đà Nẵng từ ngày 2-9 đến 20-10-2011; sau đó tập hợp, sản xuất một bộ ảnh đẹp nhất để phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại, các cuộc triển lãm, giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam với quốc tế và cung cấp cho các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài.
Trong năm 2010, Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm ở nước ngoài được dư luận công chúng nước bạn đánh giá cao như: Triển lãm “Nghệ thuật Việt Nam - từ châu thổ ra biển lớn” tại Hoa Kỳ; Triển lãm “Di sản văn hóa Việt Nam” và “Tuần văn hóa Việt Nam” tại Pháp; Triển lãm “Nghề thủ công truyền thống và văn hóa Việt Nam” và trưng bày “Báu vật triều Nguyễn ở Việt Nam” tại Hàn Quốc…

Trách nhiệm nhân đôi

Người ta vẫn thường nói: Đạt danh hiệu đã khó, giữ gìn danh hiệu còn khó hơn nhiều. Đối với các di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, muốn giữ gìn tốt hơn không có cách nào khác là phải bảo vệ nghiêm ngặt, đầy đủ những giá trị hiện có và nâng tầm, phát huy các giá trị đó lên tầm cao mới.

Để tránh “vết xe đổ” của một số nước đã từng bị UNESCO tước danh hiệu di sản văn hóa thế giới, theo bà Katherin Muller, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, chính quyền các địa phương có di sản văn hóa thế giới cần tăng cường giáo dục cho người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của mình. “Dù xây dựng nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ hiện đại mà nơi có di sản văn hóa thế giới không bảo tồn nguyên vẹn những giá trị di sản ghi trong hồ sơ và không giữ đúng cam kết bảo vệ di sản mà UNESCO đã khuyến cáo thì danh hiệu di sản văn hóa thế giới rất dễ bị lung lay” - Bà Katherin Muller nói.

Ông Phạm Sanh Châu là người gắn bó lâu năm với công tác ngoại giao văn hóa và có mặt hầu hết ở các cuộc đàm phán để UNESCO công nhận các di sản văn hóa thế giới ở nước ta. Ông Châu cho rằng, kinh nghiệm từ các nước cho thấy: Cùng với việc giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng của người dân bản địa trong việc tham gia giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần hết sức coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết, giỏi ngoại ngữ, nắm vững những nguyên tắc cơ bản của UNESCO trong việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa thế giới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ di sản, nhất là các di sản văn hóa thế giới đã được công nhận, năm 2011, ngành di sản văn hóa Việt Nam sẽ xây dựng Báo cáo quốc gia về hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể sau 6 năm tham gia Công ước 2003 của UNESCO; Tổ chức hội thảo về bảo tồn văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận từ năm 1994 đến 2010; Tiếp tục thực hiện các dự án, chương trình về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và triển khai kế hoạch hợp tác quốc tế đã được ký kết.

(Theo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất