Đây là di sản phi vật thể quốc gia thứ ba của tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận. Trước đó, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Trà Vinh và nghệ thuật Chầm - riêng Chà pây của nghệ nhân Khmer ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tối 7/6, tại huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội cúng biển Mỹ Long.
Đây là di sản phi vật thể quốc gia thứ ba của tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận. Trước đó, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Trà Vinh và nghệ thuật Chầm - riêng Chà pây của nghệ nhân Khmer ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú đã được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lễ hội cúng biển Mỹ Long được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ hội để huyện Cầu Ngang nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung quảng bá, giới thiệu những hình ảnh về đất nước, con người vùng biển với bạn bè gần xa.
Lễ hội cúng biển hay còn gọi lễ Nghinh Ông là một lễ hội rất đặc thù, mang tính truyền thống của người dân vùng biển Trà Vinh, được tổ chức hàng năm tại thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang vào các ngày 10, 11 và 12 tháng 5 Âm lịch.
Lễ hội tổ chức lần đầu tiên vào năm 1920 và được duy trì cho đến nay. Trong lễ hội, các ngư dân thể hiện lòng biết ơn của mình đối với biển cả, cầu mong cho biển không sóng to gió lớn, có nhiều tôm cá để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ.
Nghi lễ được tổ chức gồm 6 phần chính: nghinh ông Nam Hải bằng tàu biển, giỗ tiền chức, chánh tế, chánh tế bà Chúa Xứ, nghinh ngũ phương và lễ tống tàu ra khơi.
Quy mô tổ chức lễ hội ngày càng lớn, thu hút hàng chục ngàn du khách khắp nơi về thị trấn Mỹ Long để vui đón lễ hội cúng biển./.
TTX