Ngày 18/4, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội
thảo lấy ý kiến về Lễ phục Nhà nước với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Nhân
dân, các sở, ngành liên quan và các nhà nghiên cứu, quản lý, họa sỹ, thiết kế
thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Trước đó, ngày 17/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tổ chức hội thảo về
chủ đề này tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các đại biểu đến từ 23
tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hội thảo đã nghe các
tham luận đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong việc chọn Lễ phục Nhà nước
như tiêu chí lựa chọn lễ phục ngoại giao cấp Nhà nước; Một số suy nghĩ về Lễ
phục Nhà nước (nam và nữ) Việt Nam đương đại; Một vài suy nghĩ về lễ phục dành
cho nam giới; Bản sắc văn hóa trong lễ phục; Lễ phục quốc gia Việt Nam, thống
nhất tiêu chí cụ thể cho Lễ phục Việt Nam...
Hội thảo cũng đã dành nhiều
thời gian trao đổi về những tiêu chí xây dựng lễ phục; Lễ phục Nhà nước qua các
thời kỳ lịch sử; Lễ phục của các nước trên thế giới; yêu cầu cần có trong bản
sắc văn hóa của Lễ phục Nhà nước; yêu cầu của lễ phục đối với công tác đối ngoại
cấp nhà nước...
Dù một số quan điểm còn khác nhau, nhưng đều thống nhất
một số nội dung chính, như tiêu chí khái quát đẹp, đơn giản, thuận tiện, dễ sử
dụng, phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; kiểu dáng
hiện đại, có kết hợp yếu tố của trang phục truyền thống Việt Nam (tránh lặp lại
trang phục cổ); sử dụng chất liệu trong nước; màu sắc đặc trưng, tiêu biểu cho
văn hóa Việt Nam.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, Nhà thực hành và dựng mẫu thời
trang Ngô Kim Khôi (Việt kiều, hiện đang sống tại Paris, Pháp) cho biết, tại Hội
nghị Cấp cao APEC lần thứ 14 được tổ chức năm 2006 tại Hà Nội, trên truyền hình
các nước trên thế giới, thiên hạ ngạc nhiên, thích thú nhìn thấy các nhà lãnh
đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương xuất hiện trong trang phục
áo dài truyền thống Việt Nam.
Tấm áo dài dành cho người phụ nữ Việt Nam
đã bao nhiêu lần cải cách, thăng trầm biến đổi nhưng cho đến ngày nay, nó vẫn
được sử dụng và dù ở chân trời nào, người ta cũng nhận ra rằng đó là áo dài Việt
Nam. Tuy nhiên, chúng ta nên cách tân lễ phục nam theo kiểu áo dài truyền thống
và kỹ thuật áo veste...
Ngoài ra, lễ phục cũng nên có Âu phục và Quốc
phục, tùy theo trường hợp, hoàn cảnh để sử dụng cho hợp lý. Quốc phục nên dùng
trong những dịp lễ văn hóa truyền thống, dịp đại hỷ của cá nhân, dòng tộc và
trong những nghi thức ngoại giao văn hóa chính trị trên thế giới.
Theo
thạc sỹ Bùi Văn Tiếng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành
ủy Đà Nẵng, trong quan hệ ngoại giao, nhất là ngoại giao nhà nước, thì việc ăn
mặc, nói năng, đi đứng, chào hỏi cần phải được chăm chút hết sức cẩn thận vì đây
là hình ảnh mặt tiền của đất nước, nếu sơ suất sẽ ảnh hưởng đến quốc thể. Bản
sắc dân tộc cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là quốc
thể.
Mặc một bộ lễ phục ngoại giao cấp nhà nước thể hiện rõ bản sắc dân
tộc cũng rất cần, nhưng cần hơn là người mặc bộ lễ phục thấm đẫm bản sắc ấy phải
bảo toàn được thể diện quốc gia, nếu không thì càng thấm đẫm bản sắc, càng gây
tổn hại đến thanh danh của đất nước, ông Tiếng nhấn mạnh.
Ông Tiếng cho
rằng quốc thể phải được xem là nguyên tắc tối thượng trong hoạt động ngoại giao,
trong khi đó bản sắc dân tộc không hề nhất thành bất biến: giống như trường hợp
chữ Nho và chữ Quốc ngữ, cả áo dài khăn đóng lẫn veston đều là sản phẩm của quá
trình tiếp biến văn hóa, qua thời gian, năm tháng đều đã gắn bó với thân thể,
dáng người Việt Nam, đều thấm đẫm bản sắc dân tộc Việt Nam. Vấn đề chỉ còn nằm ở
chỗ, chúng ta lựa chọn như thế nào để bộ lễ phục ngoại giao cấp Nhà nước có được
một nền tảng thẩm mỹ-xã hội tương thích./.
Văn Sơn
(TTXVN)