Hiện trên thế giới có 74/196 quốc gia, vùng lãnh thổ có trang phục dân tộc riêng. Lễ phục của một số quốc gia góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn, các nghi thức ngoại giao, lễ phục đã và đang khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc đó
Việt Nam cần phải có lễ phục để khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc, vị thế của một nền văn hiến quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Đó là khẳng định của hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo "Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 21/12 tại Hà Nội. Cuộc hội thảo này thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và nhà thiết kế thời trang.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Với hàng ngàn năm lịch sử, theo dòng thời gian, các triều đại phong kiến của Việt Nam đã có những quy định tương ứng về trang phục góp phần thể hiện bản sắc văn hóa và vị thế đất nước. Từ thuở các Vua Hùng dựng nước và trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trang phục đó đều được kế thừa truyền thống và phát huy không ngừng. Nhưng vì nhiều lý do mà tới nay Việt Nam ta chưa có lễ phục để sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ đặc biệt, các hoạt động đối ngoại… Do đó, việc xây dựng thiết kế lễ phục là một việc làm rất cần thiết. Hội thảo này là cơ hội để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý, thiết kế về lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn.
Đa phần các ý kiến đóng góp tại hội thảo nghiêng về ủng hộ chọn áo dài cho nữ, áo dài kèm khăn đóng cho nam là lễ phục Việt Nam, tất nhiên cần có sự cải tiến cho phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay. Tiêu chí đầu tiên mà lễ phục phải đạt được là tiêu chí đẹp, sang trọng, tiện dụng, thể hiện rõ giới tính để người mặc bộ lễ phục tự tin, nhất là trong các hoạt động ngoại giao, nghi lễ trang trọng. Trong đó, cần có những mẫu thiết kế dành riêng, phù hợp với các kỳ cuộc khác nhau, tùy theo tầm quan trọng của sự kiện tầm quốc gia, quốc tế... Giáo sư Vũ Khiêu cho ý kiến: Nói chung lễ phục phải trang trọng, thể hiện được sắc thái dân tộc, vừa mang tính hiện đại, duyên dáng, lịch sự, tinh tế, trang nghiêm, nhưng không nên trang trí nặng nề, diêm dúa, màu sắc quá sặc sỡ.
Hiện Việt Nam đã có một bộ được sử dụng như quốc phục trong Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, là kết quả đề tài nghiên cứu từ năm 2001 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ trang phục đó vẫn được duy trì trong Lễ giỗ Tổ đến nay. Bộ trang phục này được đánh giá là khá thành công, thỏa mãn được cả về màu sắc, chất liệu và hình dáng... Ngoài ra cũng có một số mẫu thiết kế khác được dùng làm quà tặng ở nhiều sự kiện văn hóa, ngoại giao mang tính chất quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng từ những mẫu thiết kế đã có sẵn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên đề xuất, xin ý kiến của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia để có thêm tiếng nói thuyết phục. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phát động một cuộc thi sáng tác mẫu thiết kế lễ phục để các nhà thiết kế thời trang trong cả nước cùng đóng góp công sức xây dựng.
Thông tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: Hiện trên thế giới có 74/196 quốc gia, vùng lãnh thổ có trang phục dân tộc riêng. Lễ phục của một số quốc gia góp phần thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của quốc gia đó. Trong các ngày lễ lớn, các nghi thức ngoại giao, lễ phục đã và đang khẳng định dấu ấn đặc trưng của văn hóa dân tộc đó./.
TTX