Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 18/12/2012 22:6'(GMT+7)

“Ánh nhìn chéo” về sự phong phú và đặc sắc văn hóa

Khác với cách trình bày mà người xem đã khá quen thuộc là giới thiệu các lễ hội truyền thống, trưng bày “Ánh nhìn chéo” nhấn mạnh chủ đề truyền thống lễ hội. Nội dung của trưng bày tập trung giới thiệu khái quát về quan niệm, mục đích, ý nghĩa và diễn trình các lễ hội của cư dân ở Val-de-Marne cũng như của người Thái, Tày, Việt, Khơmú, Hmông ở Yên Bái. Người xem dễ tiếp cận sự “đối thoại” và “cộng hưởng” thú vị giữa những nền văn hóa khác nhau ở hai nơi rất xa nhau: Val-de-Marne, một tỉnh không xa thủ đô Paris của Pháp, và Yên Bái, một tỉnh miền núi tây bắc của Việt Nam.

Những sự khác biệt thì dễ thấy. Nếu như các lễ hội ở Val-de-Marne ngày nay mang nhiều yếu tố giải trí để phù hợp với bối cảnh đô thị hiện đại, thì các lễ hội ở Yên Bái mang đậm nhiều nét tín ngưỡng bên cạnh hoạt động vui chơi. Nhưng những sự tương đồng cũng không phải quá khó để cảm nhận. Đó là tính “chung”: Coi trọng yếu tố nước, coi trọng thiên nhiên và những nhịp điệu chuyển đổi của thiên nhiên, coi trọng người phụ nữ - chủ thể sinh sản và phát triển nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương; chú trọng khuyến khích sự phát triển của thế hệ trẻ, trân trọng những sản vật của tự nhiên và của con người...

Vào mùa xuân và mùa hè ở Val-de-Marne, người Pháp có lễ hội Hoa huệ chuông, lễ hội Bò béo, lễ hội Saint-Jean, lễ hội hóa trang, lễ hội hoa. Ở Yên Bái, nhiều lễ hội đánh dấu sự chuyển mùa được người Tày, Thái, Mường, Việt, Khơmú tổ chức vào mùa xuân, hè hoặc thu, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh và vật nuôi phát triển: Hội Lồng tồng của người Tày, Lễ Cầu mùa của người Khơ mú, Lễ mở cửa rừng của người Mường, Tết Síp xí của người Thái ...

Ở Val-de-Marne có Hội thi câu cá, lễ hội thuyền hoa, lễ hội nước, thi bơi, đấu giáo trên sông... thì Yên Bái có đua thuyền ở lễ hội đền Nam Cường, lễ hội đình Khả Lĩnh với nghi thức rước nước trang trọng.

Với ý nghĩa tôn vinh người phụ nữ, ở Val-de-Marne có Lễ hội Bà mẹ đông con, Lễ hội Người phụ nữ đảm đang, bầu "Hoàng hậu sông Marne" và “Hoa hậu quán rượu bờ sông”. Người dân ở Yên Bái có Lễ rước Mẫu đền Đông Cuông, Lễ Vu Lan của người Việt.

Với trẻ em và thanh niên, Val-de-Marne có Lễ hội trường học, Lễ hội trẻ em... Yên Bái lại có Tết Trung thu, Lễ cấp sắc của người Dao... Trân trọng những sản vật của mình, Val-de-Marne có Lễ hội mùa gặt Lễ hội hái nho, Lễ hội người trồng rau, Lễ hội lợn, Lễ hội hoa phong lan... Yên Bái có Lễ hội cây chè của người H’Mông ở Suối Giàng, Lễ cơm mới của người Thái...

Có những lễ hội đã thuộc về quá khứ, có những lễ hội đương đại nhưng có mối liên hệ sâu xa với quá khứ, cũng có những lễ hội thuần túy chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí và lễ hội cũng có những sự biến đổi, thích nghi... Nhưng dễ thấy rằng: Cho dù ở đâu và trong bất kỳ bối cảnh nào, truyền thống lễ hội của các cộng đồng cư dân luôn có sức sống bền bỉ và đó là một phần quan trọng trong văn hoá ở mỗi xứ sở.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa tỉnh Val-de-Marne (Pháp), tỉnh Yên Bái và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trưng bày « Ánh nhìn chéo: Truyền thống lễ hội Val-de-Marne & Yên Bái » được thực hiện như một sự kiện văn hoá tại Hà Nội nhân Năm giao lưu Pháp - Việt 2013 - 2014.

Trưng bày khai mạc ngày 17-12-2012 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, sau đó sẽ được chuyển sang Val-de-Marne để giới thiệu với công chúng Pháp trong tháng 6-2013. Đây là hoạt động đối thoại văn hóa, ngoại giao nhân dân giữa hai địa phương nhằm giới thiệu, quảng bá, góp phần duy trì, bảo tồn sự đa dạng văn hóa của cư dân ở hai tỉnh Val-de-Marne và Yên Bái.

Ngữ Thiên/Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất