Ngày 26/11, Mỹ đã triển khai hoạt động huấn luyện bay định kỳ ngay trên
không phận của quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Xên-ca-cư và Trung
Quốc gọi là Điếu Ngư ở Hoa Đông mà không thông báo cho Bắc Kinh. Động
thái này được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố thiết lập
Vùng Xác định Phòng Không (ADIZ) ở phần lớn biển Hoa Đông, bao trùm cả
Xên-ca-cư/Điếu Ngư, đang châm ngòi cho sự phản đối mạnh mẽ từ các nước
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ô-xtrây-li-a...
Thông báo của Lầu Năm Góc cho biết, đêm 26/11, hai máy bay B-52 không trang bị vũ khí, loại cũ, có tốc độ bay khá chậm so với máy bay chiến đấu hiện nay và dễ dàng bị phát hiện hơn nhiều so với máy bay tàng hình, cất cánh từ căn cứ ở đảo Gu-am, đã thực hiện các chuyến bay huấn luyện trên không phận nhóm đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá Xti-vơ Oa-ren (Steve Warren) cho biết: "Chúng tôi tiến hành cuộc diễn tập huấn luyện đã được lên kế hoạch từ lâu, bao gồm việc hai máy bay xuất phát từ Gu-am và lại trở về căn cứ này sau gần một giờ bay". Mỹ không gửi kế hoạch bay đến cho Trung Quốc. “Chuyến bay hoàn tất và không có sự cố nào", Đại tá Oa-ren cho hay.
Đáp trả lại, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh (Geng Yansheng) cho biết: "Quân đội Trung Quốc đã giám sát toàn bộ diễn biến, tiến hành nhận dạng kịp thời và xác định chủng loại máy bay của Mỹ". Ông Cảnh Nhạn Sinh khẳng định: “Phản ứng của Trung Quốc đối với máy bay nước ngoài qua lại ADIZ sẽ phụ thuộc vào việc mối đe dọa do nó mang lại lớn đến đâu”.
Trước đó, ngày 25/11, Lầu Năm Góc tuyên bố việc Trung Quốc lập "vùng xác định phòng không" ở vùng biển Hoa Đông sẽ không làm thay đổi cách thức Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực này. Theo Lầu Năm Góc, máy bay Mỹ khi bay vào không phận vùng biển Hoa Đông "sẽ không phải khai báo kế hoạch bay và cũng không phải phát tín hiệu và biểu tượng của mình" vì đó là không phận quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ri (John Kerry) cũng từng phát biểu cho rằng, hành động đơn phương của Trung Quốc là nỗ lực để thay đổi hiện trạng vùng biển tranh chấp với Nhật Bản và Oa-sinh-tơn cam kết sẽ ủng hộ Tô-ki-ô trong trường hợp có xung đột xảy ra trong khu vực quần đảo Xên-ca-cư/Điếu Ngư.
Giới phân tích nhận định, vụ việc máy bay ném bom của Mỹ vào không phận Hoa Đông dường như là một thông điệp rõ ràng của Oa-sinh-tơn đối với Trung Quốc, đồng thời là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa đủ khả năng và sẵn sàng để thực hiện tuyên bố của mình về ADIZ.
Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng đã có những phản ứng gay gắt trước việc Trung Quốc đơn phương lập "vùng xác định phòng không". Tờ "Yomiuri Shimbun" của Nhật Bản số ra ngày 27/11 đưa tin, chính quyền của Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đang cân nhắc mở rộng ADIZ trên Thái Bình Dương. Giới phân tích đánh giá đây là động thái cứng rắn nhằm khẳng định lập trường của Nhật Bản đối với việc Trung Quốc tuyên bố kiểm soát phần lớn không phận trên biển Hoa Đông. Ngoài ra, cũng theo báo trên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xem xét triển khai máy bay chiến đấu tại các căn cứ ở khu vực tranh chấp trên.
Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là Japan Airlines và All Nippon Airways (ANA Holdings) cũng đã tuân thủ yêu cầu của chính phủ ngừng cung cấp thông tin về kế hoạch bay cho nhà chức trách Trung Quốc. Trước đó, với lý do "an toàn của khách hàng", ANA thông báo đã nộp lịch trình bay cho nhà chức trách Trung Quốc về tất cả các máy bay dự kiến bay vào vùng mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc ADIZ.
Phía Hàn Quốc ngày 27/11 cũng lên tiếng cảnh báo căng thẳng tranh chấp lãnh thổ gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh ở Đông Bắc Á. Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Y-un Biêng Xê (Yun Byung-Se), vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Đông Bắc Á đã tồn tại từ lâu, nhưng việc thành lập "vùng xác định phòng không" của Trung Quốc vừa qua là tác nhân trực tiếp làm gia tăng căng thẳng tình trạng tranh chấp lãnh thổ, ảnh hưởng đến an ninh khu vực này.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Hoa Đông leo thang, Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao. Người phát ngôn của TTK LHQ, ông Mác-tin Nê-xơ-ki (Martin Nesirky) cho biết Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) mong muốn các biên liên quan tiếp cận các vấn đề trên tinh thần thiện chí và xây dựng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thư Anh (QĐND)