Hiện cứ thêm một người được điều trị kháng virus thì lại có hai người mới nhiễm HIV.
Theo kế hoạch, cuộc họp cấp cao LHQ về AIDS sẽ chính thức khai mạc tháng 6/2011. Nhân dịp này, LHQ đã đưa ra bản báo cáo tiến độ phòng, chống AIDS, phác hoạ bức tranh toàn cảnh về các nỗ lực cần thiết nhằm giúp các quốc gia thực hiện được các mục tiêu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và không còn ca nhiễm HIV mới, không còn phân biệt đối xử và không còn người chết vì AIDS.
“Sau 30 năm phòng chống đại dịch AIDS, các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống AIDS đã mang lại kết quả”. Đó là nhận định đưa ra trong báo cáo “Đoàn kết vì tiếp cận phổ cập: Hướng tới không ca nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không người chết vì AIDS” của LHQ.
Theo báo cáo, tỷ lệ nhiễm HIV mới đang giảm trên toàn cầu, vấn đề tiếp cận tới điều trị đang được mở rộng và toàn thế giới đã có những bước tiến đáng kể trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Rebecca Auma Awiti, một bà mẹ sống với HIV và là điều phối viên tại Kenya của tổ chức phi chính phủ Phụ nữ phòng chống AIDS, đã nói về cuộc đời mình tại cuộc họp báo này. Chị nói “ Nhờ có phong trào tiếp cận phổ cập mà ba con của tôi đã ra đời không bị nhiễm HIV và tôi được nhìn thấy các con lớn khôn vì tôi đang được điều trị.”.
Trường hợp của Rebecca Auma Awiti là một điển hình về hiệu quả của cuộc chiến ngăn chặn AIDS. Từ năm 2001 đến 2009, tỷ lệ nhiễm HIV mới ở 33 quốc gia – trong đó có 22 quốc gia ở khu vực cận Sahara, châu Phi – đã giảm ít nhất là 25%. Đến cuối năm 2010, có hơn 6 triệu người đang được điều trị kháng virus tại các nước có thu nhập ở mức thấp và trung bình. Và lần đầu tiên trong lịch sử, độ bao phủ của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã vượt quá 50% vào năm 2009.
Những thành tựu còn mong manh
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng các thành tựu đã đạt được còn rất nhỏ. Hiện cứ thêm một người được điều trị kháng virus thì lại có hai người mới nhiễm HIV. Mỗi ngày lại có thêm 7.000 người nhiễm mới HIV trên toàn cầu, trong đó có 1.000 trẻ em. Các cơ cấu hạ tầng còn yếu của các quốc gia, các thiếu hụt trong nguồn tài chính dành cho phòng, chống AIDS và sự phân biệt đối xử với các nhóm người dễ bị tổn thương là một số trong các yếu tố đang tiếp tục cản trở tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.
Bản báo cáo này, được xây dựng với các số liệu do 182 quốc gia cung cấp, đưa ra năm khuyến nghị chính để thúc đẩy công cuộc phòng, chống AIDS mà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới sẽ thảo luận tại Cuộc họp cấp cao về AIDS của Đại hội đồng LHQ, nhóm họp vào 8-10/6/2011.
“Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới sẽ có một cơ hội đặc biệt để đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như các lĩnh vực cần tăng cường trong ứng phó với AIDS vào thời điểm vô cùng quan trọng này”, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh khi công bố bản báo cáo tại Nairobi, thủ đô của Kenya. “Chúng ta phải có những quyết định táo bạo nhằm cải tổ ứng phó với AIDS và giúp chúng ta tiến tới một thế hệ không có HIV.”
“Việc cấp thiết chúng ta cần làm hôm nay là tiếp sức cho ứng phó với AIDS để đạt được thành công trong những năm sắp tới,” Giám đốc điều hành NAIDS ông Michel Sidibé nói. Các kết quả đã đạt được trong dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị kháng virus là rất quan trọng nhưng rõ ràng, thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt hoàn toàn các ca nhiễm mới. Thế giới đang cần tới một cuộc cách mạng trong dự phòng HIV./.
(Theo: VOV)