Ngày 25/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn
đàm phán với Hàn Quốc về việc nối lại hoạt động tại khu công nghiệp chung
Kaesong.
Ông Ban Ki-moon đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên đối
thoại chính thức về khu công nghiệp Kaesong và yêu cầu Bình Nhưỡng hồi đáp trước
ngày 26/4, nếu không sẽ phải đối mặt với "các biện pháp mạnh."
Tổng thư
ký Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc Triều Tiên đình chỉ hoạt động
của khu công nghiệp Kaesong cũng như các tác động về kinh tế và nhân đạo của
việc này. Bày tỏ hy vọng khu công nghiệp Kaesong sẽ sớm hoạt động bình thường
trở lại thông qua đối thoại, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh khu công nghiệp
này " là bằng chứng về sự hợp tác thành công giữa hai miền Triều Tiên, giúp thúc
đẩy tăng trưởng kinh tế và là cầu nối nhân dân hai nước", và hy vọng rằng dự án
này không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị và an ninh.
Trong diễn
biến liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đang ở thăm Trung Quốc
ngày 25/4 đã có các cuộc hội đàm với nhiều quan chức nước chủ nhà, gồm Phó Chủ
tịch nước Lý Nguyên Triều, ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại
giao Vương Nghị. Theo Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, trong các cuộc hội đàm, ông
Burns đã tái khẳng định sự cần thiết phải phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
một cách có thể kiểm chứng.
Trung Quốc là chặng dừng chân thứ hai trong
chuyến công du của ông Burns tới 5 nước châu á bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc,
Kazakhstan và Mông Cổ. Tại Nhật Bản ngày 24/4, ông Burns và Thứ trưởng Ngoại
giao nước chủ nhà Chikao Kawai đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp
tác giữa hai nước cũng như với Hàn Quốc để đối phó với Triều Tiên.
Từ
ngày 27- 28/4, ông Burns sẽ thăm Hàn Quốc và hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao
Kim Kyou-hyun. Ngoài các vấn đề quan hệ song phương, hai bên cũng sẽ tập trung
thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Trung Quốc đang cân nhắc tổ chức hội đàm
ba bên không chính thức với Mỹ và Hàn Quốc để tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn
đề Triều Tiên. ý tưởng tổ chức kênh đối thoại ba bên gồm các quan chức chính phủ
và học giả ba nước Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc được Bắc Kinh đưa ra nhân chuyến
thăm mới đây của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, trong đó giới chức ngoại
giao hai nước nhất trí thiết lập đường dây nóng để tham vấn chính sách đối với
Triều Tiên.
Một quan chức ngoại giao giấu tên của Hàn Quốc cho biết thêm
rằng ý tưởng trên sẽ là cơ sở để ba nước thiết lập cơ chế đối thoại ba bên cấp
cao thảo luận về đối sách mang tầm chiến lược.
Tại Bắc Kinh, người phát
ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 25/4 khẳng định nước này sẽ
tiếp tục nỗ lực phối hợp với cộng đồng quốc tế thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo
Triều Tiên. Trong cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo giới về chuyến
thăm Mỹ của Đặc phái viên Trung Quốc về Triều Tiên Vũ Đại Vĩ, bà Hoa Xuân Oánh
cho biết Trung Quốc đang duy trì các cuộc tiếp xúc với các bên liên quan và theo
dõi sát tình hình chung để đảm bảo hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều
Tiên.
Cùng ngày, hãng tin Fars của Iran dẫn lời Tổng thống nước này
Mahmoud Ahmedinejad kêu gọi lãnh đạo các nước trong khu vực Đông Bắc á cùng sáng
suốt giải quyết những phức tạp hiện nay bằng biện pháp ngoại giao, để sớm đưa
tình hình trở lại bình thường.
Tổng thống Iran cũng cho biết Tehran sẵn
sàng đứng ra làm trung gian hòa giải những bất đồng hiện nay và hạ nhiệt bầu
không khí căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên./.
(TTXVN)