Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 22/4/2013 10:20'(GMT+7)

Lý giải mục đích Mỹ tăng viện trợ quân sự nước ngoài

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines diễn tập tình huống đổ bộ trên bãi biển trong cuộc tập trận chung tại Cavite ngày 15/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines diễn tập tình huống đổ bộ trên bãi biển trong cuộc tập trận chung tại Cavite ngày 15/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thực chất, việc đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng vũ trang nước ngoài là một trong những công cụ quan trọng để tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ.

Năm nay, Mỹ viện trợ quân sự cho hơn 150 quốc gia, tăng so với con số 134 quốc gia trong năm 2012. Mặc dù Chính phủ Mỹ suýt bị tê liệt do thiếu ngân sách, nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn đề nghị ngân khoản lên tới 9,8 tỷ USD dành cho hỗ trợ an ninh trong tài khóa 2013.

Mỹ đang thực hiện 3 chương trình viện trợ quân sự nước ngoài chính, bao gồm: tài trợ kinh phí để mua các thiết bị, dịch vụ và đào tạo quốc phòng của Mỹ; các hoạt động hỗ trợ hòa bình, cung cấp sự hỗ trợ tự nguyện cho các hoạt động hỗ trợ hòa bình quốc tế; và chương trình đào tạo và giáo dục quân sự quốc tế (IMET) cung cấp đào tạo quân sự miễn phí cho các quan chức quân sự nước ngoài.

Để tránh sự "soi mói" của Quốc hội Mỹ - hiện có khuynh hướng đưa những quốc gia vi phạm nhân quyền vào danh sách đen - Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho áp dụng một số chương trình ít minh bạch hơn như Chương trình Đào tạo và Tập trận kết hợp (JCET) cho phép lực lượng đặc nhiệm Mỹ huấn luyện binh lính Indonesia đàn áp người dân Timor Leste, với lý do là tạo cơ hội cho binh lính Mỹ được rèn luyện ở địa hình nước ngoài.

Mỹ cũng huấn luyện binh lính châu Phi theo Sáng kiến phản ứng khủng hoảng châu Phi. Hiện nay, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hoạt động tại hơn 70 quốc gia.

Về mặt chính thức, viện trợ quân sự được dành cho đào tạo lực lượng an ninh, tài trợ mua thiết bị quân sự, thúc đẩy khả năng thực thi luật pháp nhằm đối phó với nạn buôn lậu ma túy và hợp tác không phổ biến vũ khí. Ba mục tiêu chiến lược của Mỹ được nêu trong Chiến lược Anh ninh Quốc gia Mỹ là thúc đẩy an ninh của Mỹ, tăng cường sự phồn vinh kinh tế của Mỹ và khuyến khích dân chủ ở nước ngoài.

Bộ Quốc phòng Mỹ luôn khẳng định rằng việc mở rộng viện trợ quân sự chỉ nhằm xây dựng quan hệ với các quân đội bạn bè và đồng minh để hỗ trợ các mục tiêu đối ngoại của Mỹ.

Ngày 5/4 vừa qua, Nhà Trắng đã công bố chính sách mới về Hỗ trợ an ninh của Mỹ, với mục tiêu "hỗ trợ các quốc gia đối tác xây dựng khả năng bền vững trong việc đối phó với những thách thức an ninh chung; khuyến khích các đối tác hỗ trợ chính sách và lợi ích của Mỹ; dàn xếp, củng cố, tổ chức việc phòng thủ và bảo đảm an ninh đa quốc gia; đồng thời thúc đẩy các giá trị chung."

Tài liệu này được công bố vào lúc diễn ra cuộc tranh luận nảy lửa về hiệu quả của các hoạt động đào tạo và hỗ trợ của quân đội Mỹ tại các nước như Afghanistan, Iraq và Mali. Có nhiều ý kiến cho rằng các khoản tiền và nguồn lực lớn đang được chi cho các lực lượng nước ngoài "vô tích sự," cuối cùng có thể phá hoại vị thế quốc tế của Mỹ.

Việc đào tạo quân sự của Mỹ lâu nay vẫn là nền tảng của các mối quan hệ chiến lược quan trọng, duy trì sự kết nối giữa các binh lính và cải thiện hoạt động trên chiến trường song cũng tạo ra những kẻ âm mưu đảo chính, vi phạm nhân quyền.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng việc hỗ trợ quân sự, chủ yếu thông qua đào tạo, là biện pháp "ít tốn kém" để có được "bạn hữu" trong các tổ chức quốc phòng khắp thế giới.

Tuy nhiên, các ví dụ tại Afghanistan và Pakistan cho thấy mọi việc không phải như Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Chính sách trang bị vũ khí và trợ cấp cho các chính phủ nước ngoài, nhất là những chính phủ nhiều tai tiếng về vi phạm nhân quyền, đã góp phần phổ biến các chế độ độc tài, các cuộc khủng hoảng nhân đạo và bất ổn, trong khi khả năng "gậy ông đập lưng ông" là rất cao như trùm khủng bố Osama bin Laden đã được Mỹ đào tạo trong cuộc chiến chống lại Liên Xô tại Afghanistan./.

Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất