Theo người phát ngôn trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc thừa nhận việc xét xử
các tội phạm chiến tranh là một tiến trình quốc gia, và kêu gọi tất cả các
bên liên quan tôn trọng quy định của luật pháp, chấm dứt bạo lực và thể hiện
quan điểm của mình một cách hòa bình.
Cùng ngày, Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi người dân Bangladesh bình tĩnh sau khi
hàng chục người đã thiệt mạng do cuộc đụng độ trong các cuộc biểu tình nói
trên.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell kêu gọi người
Bangladesh cần thể hiện quan điểm một cách hòa bình, đồng thời hoan nghênh các
nỗ lực hòa bình của Chính phủ Bangladesh nhằm làm dịu tình hình cũng như đưa ra
trước công lý những kẻ đã phạm tội ác chiến tranh.
Trong khi đó, số người thiệt mạng đã tăng lên gần gấp đôi sau một ngày xảy ra
các cuộc biểu tình.
Đụng độ bùng phát tại nhiều thành phố ở Bangladesh từ ngày 28/2, làm 34 người
thiệt mạng, và đến ngày 1/3 đã có 53 người thiệt mạng.
Tại thủ đô Dhaka, cảnh sát đã phải bắn đạn cao su và sử dụng hơi cay để giải tán
những người biểu tình ủng hộ Đảng Jamaat-e-Islami xuống đường sau buổi cầu
nguyện cuối tuần. Một số người đã bị thương.
Tại thành phố Chittagong ở miền
Nam, 3 cảnh sát cũng bị thương trong một vụ đánh bom tự chế của các sinh viên
ủng hộ đảng này.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Bắc Gaibandha và
Chapainawabganj, hàng trăm người ủng hộ chính phủ đã đụng độ với những người ủng
hộ Đảng Jamaat-e-Islami làm hai người thiệt mạng.
Xung đột xảy ra ngay sau khi một tòa án Bangladesh công bố phán quyết tử hình
Phó Chủ tịch Đảng Jamaat-e-Islami Delwar Hossain Sayedee với nhiều tội danh,
trong đó có tội giết người, đốt phá nhà cửa, hãm hiếp và cưỡng ép cải đạo Hồi.
Đảng Jamaat-e-Islami phản đối phán quyết này, cho rằng nó xuất phát từ động cơ
chính trị. Sayedee là người thứ ba bị kết án có tội kể từ khi tòa án trên ra
phán quyết đầu tiên hôm 21/1 liên quan đến các tội ác trong cuộc chiến tranh
giành độc lập của Bangladesh năm 1971 vốn cướp đi sinh mạng của 3 triệu
người./.
Theo TTXVN