Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 22/10/2014 21:55'(GMT+7)

Liên kết để phát triển công nghiệp điện tử trong khối ASEAN+3

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN)


Ngày 22/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp với Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững trong ngành công nghiệp điện tử,” nhằm tăng cường và thắt chặt hợp tác trong ngành công nghiệp công nghệ điện tử giữa Hàn Quốc và các nước trong khối ASEAN+3.

Tại hội thảo, đại diện ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia đã nêu khái quát về tình phát triển và xu hướng liên kết hợp tác trong ngành công nghiệp điện tử giữa các quốc gia trong khối ASEAN và khối ASEAN+3; chia sẻ những kết quả, thành tựu trong nghiên cứu, sản xuất và những định hướng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp điện tử... để ngành này có khả năng phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về chính sách, môi trường đầu tư tại các quốc gia, tăng cường việc cam kết đầu tư FDI.

Ông Suh Dong-Hyuk, Viện Nghiên cứu Công nghiệp, Kinh tế và Thương mại Hàn Quốc đã chia sẻ về những chính sách và chiến lược trong ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc.

Với nền tảng phát triển công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới, Hàn Quốc hợp tác và có nhiều hỗ trợ cho các đối tác trong khu vực như Việt Nam, Indonesia để nghiên cứu, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp điện tử.

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử và thông tin truyền thông đang tăng trưởng khá mạnh và đầy tiềm năng để phát triển.

Hiện Việt Nam đã có sản phẩm điện tử xuất khẩu đến gần 50 nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2013, tổng doanh thu của ngành này đạt khoảng 37 tỷ USD, tăng 45% so với năm 2012, gấp 3 lần so với năm 2011.

Ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã đạt được nhiều thành công về giá trị sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn công nghệ vẫn còn khá hạn chế. Do đó, các doanh nghiệp này cần phải đầu tư để đổi mới công nghệ, cách thức quản lý và nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, ngành công nghiệp điện tử-công nghệ thông tin đặt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 17-18%, đáp ứng 65-70% nhu cầu thị trường, tập trung bốn nhóm chính gồm máy tính và thiết bị điện tử văn phòng, thiết bị điện tử chuyên dụng, thiết bị điện tử dân dụng, công nghiệp phần mềm./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất