Thứ Năm, 19/12/2024
Thế giới
Thứ Tư, 25/6/2014 20:42'(GMT+7)

Liên minh cầm quyền Nhật Bản đồng thuận điều kiện dùng vũ lực để phòng vệ

Binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Binh sỹ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe đã đưa ra văn kiện bổ sung gồm 3 điều kiện dành cho đảng Công Minh mới (NKP) - đối tác trong liên minh cầm quyền - hồi đầu tháng này nhằm cố gắng giành được sự ủng hộ của NKP cho việc thay đổi cách hiểu đối với bản Hiến pháp hòa bình, mở đường cho Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Sau vòng đối thoại thứ 9 về an ninh, Phó Chủ tịch NKP, ông Kazuo Kitagawa, cho biết các điều kiện sửa đổi đã “phản ánh” quan điểm của đảng này. Các nghị sỹ tham dự phiên thảo luận cho biết các đảng cầm quyền thúc giục Chính phủ đưa ra dự thảo cuối cùng về quyết sách của Nội các cho phiên đối thoại tới đây vào ngày 27/6. Tokyo hiện đang chuẩn bị thông qua dự thảo trên vào ngày 1/7 hoặc 4/7.

Trong vấn đề gây tranh cãi khác, những ý kiến phản bác từ NKP khiến Phó Chủ tịch LDP Masahiko Komura phải thừa nhận rằng liên minh cầm quyền vẫn chia rẽ xung quanh vấn đề liệu Nhật Bản có được phép sử dụng vũ lực trong các chiến dịch an ninh tập thể của Liên hợp quốc hay không. Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng tham gia của Nhật Bản trong tương lai.

Thủ tướng Abe ngày 24/6 tái khẳng định rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia hòa bình và Lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ không can dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài đồng thời cũng khẳng định tính hợp lý khi diễn giải một cách “phù hợp” Hiến pháp.

Theo ba điều kiện mà các đảng vừa nhất trí, Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực theo Hiến pháp nếu sự tồn vong của Nhật Bản bị đe doạ và có “những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân.”

Để thực thi quyền phòng vệ tập thể, “các nước có quan hệ mật thiết (với Nhật Bản) đang phải hứng chịu cuộc tấn công vũ trang.” Kế hoạch trước đây của LDP sử dụng cụm từ “nước ngoài” có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Điều kiện thứ hai là không có bất cứ phương tiện nào khác đẩy lùi hành vi xâm lược để “đảm bảo sự tồn tại của đất nước và bảo vệ sinh mạng người dân” trong khi điều kiện thứ ba đòi hỏi việc sử dụng sức mạnh vũ trang phải được giữ ở mức tối thiểu.

Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản cấm sử dụng vũ lực giải quyết các tranh chấp quốc tế và chỉ cho phép quyền tự vệ “tối thiểu.”

LDP của ông Shinzo Abe hy vọng sẽ thay đổi cách hiểu kéo dài hàng thập kỷ qua về bản hiến pháp này. LDP chủ trương rằng việc sử dụng vũ lực mà Hiến pháp cho phép có thể coi là quyền phòng vệ tập thể theo luật quốc tế.

Trong khi đó, NKP lại bày tỏ ý kiến phản đối việc tạo điều kiện cho SDF sử dụng vũ lực nhiều hơn mà không có những giới hạn rõ ràng đồng thời lo ngại Điều 9 - vốn là cơ sở tạo nên chính sách quốc phòng riêng biệt của Nhật Bản - sẽ bị phá vỡ nội hàm.

Tuy nhiên, đối tác nhỏ trong liên minh này đã cho thấy một số dấu hiệu trong những tuần gần đây là đang thỏa hiệp về vấn đề gây tranh cãi này và cho phép thực thi quyền phòng vệ tập thể một cách có giới hạn.

Thủ tướng Abe đã gia tăng áp lực đối với LDP để đạt được thỏa thuận với NKP trong bối cảnh Nhật Bản và Mỹ dự kiến sẽ sửa đổi văn kiện định hướng hợp tác quốc phòng song phương đến cuối năm 2014./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất