(TCTG)- Uỷ ban châu Âu (EC) vừa công bố kết quả kiểm tra chi tiết các chính sách và khả năng của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) về môi trường trong năm 2009. Theo đó, EU đang trở nên xanh xao và nhạt nhẽo.
Có nhiều nước còn chậm trễ trong các lĩnh vực đa dạng sinh thái, năng lượng tái sinh hay hạn chế các chất gây ô nhiễm khí quyển. Uỷ viên môi trường EC Janez Potocnik đánh giá: "Một số lượng lớn các số liệu và khuynh hướng cho thấy vẫn rất đáng quan tâm".
Bản báo cáo trên nhắc lại: "EU sẽ không đạt được mục tiêu ngăn cản đa dạng sinh thái biến mất trong năm 2010". Năm 2009, nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên tại châu Âu đã cho thấy chỉ có 17% các loài vật và môi trường sống, được bảo vệ nhờ chỉ thị "vùng phân bố", được bảo tồn trong tình trạng tốt. Trong số những hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất có các đồng cỏ, các khu vực ẩm ướt và duyên hải. EC nhận định: Lý do an ủi duy nhất là các khu vực bảo tồn thuộc mạng lưới Natura 2000 tiếp tục ghi nhận những tiến triển nhẹ nhàng, năm 2009 đạt 17,6% lãnh thổ châu Âu. Từ nay, các khu vực bảo tồn trên "là một trong những hệ thống bảo vệ thiên nhiên tiến bộ nhất, rộng nhất và linh hoạt nhất trên thế giới".
Về lĩnh vực năng lượng tái sinh, có sự lạc quan đối với gói năng lượng - khí hậu, được thông qua vào tháng 4/2009, theo đó EU cam kết sản xuất 20% nguồn năng lượng tái sinh vào năm 2020. Theo các số liệu mới nhất, EU đã đạt được 10,3% nguồn năng lượng tái sinh trong năm 2008. Ngược lại, đó lại là một quyết định dở đối với tham vọng của EU sản xuất 21% lượng điện từ các nguồn năng lượng tái sinh ngay từ năm 2010. Năm 2008, tỷ lệ này chỉ chiếm 16,7% và còn xa mới đạt được mục tiêu. Một chi tiết rất hay là từ năm 2000 - 2008, lượng điện sản xuất từ thuỷ điện đã giảm từ 11,6% xuống còn 9,7% trong khi nguồn điện từ năng lượng gió trong cùng kỳ đã tăng từ 0,7% lên 3,5%.
EC nhận xét có một mối lo ngại mới là "chất lượng không khí tại các khu đô thị nhìn chung rất tồi". Lượng hạt bụi trong không khí vẫn còn rất cao, ngay cả khi chúng đã giảm tại các nước thành viên từ năm 2000-2008. Ngược lại, lượng khí ôzôn đã tăng lên tại phần lớn các nước thành viên trong cùng kỳ. Đối với các tác nhân gây ô nhiễm khí quyển như ôxít nitơ hay điôxít lưu huỳnh, tình hình không có tiến triển và châu Âu đã thất bại trong việc hoàn thành các mục tiêu liên quan chỉ thị về các mức độ khí thải của các nước thành viên. Cần phải nói rằng giao thông đường bộ chiếm vị trí lớn nhất tại EU. Trong vận chuyển hàng hoá, đường bộ tăng từ 74% năm 2000 lên 77% năm 2008 nhờ sự phát triển của các nước thành viên mới. Trong khi đó, giao thông đường sắt và đường thuỷ từng bước giảm 17% và 6%.
Cuối cùng, châu Âu tiếp tục sụp đổ dưới các đống rác của chính mình: có 2,6 tỷ tấn rác được thải ra năm 2006, tức 6 tấn/người, trong đó có 436 kg rác thải sinh hoạt. Con số này đang tăng tại hầu hết các nước thành viên EU. Thật may mắn là việc xử lý rác thải cũng có bước tiến triển: tỷ lệ bao bì được tái chế trong EU tăng từ 53,9% năm 2004 lên 58% năm 2007./.
Theo báo LEMONDE.fr (Bài dịch)