(TCTG)- Thực vật nổi (phytoplancton), yếu tố chính cân bằng các đại dương, đang dần biến mất. Nước biển nóng lên có thể là nguyên nhân của thảm hoạ sinh thái này.
Thực vật nổi là loại vi sinh vật đơn bào đại dương. Chúng là cơ sở của chuỗi thức ăn trong đại dương và đóng một vai trò tối quan trọng trong chu trình cácbon. Thực vật nổi có trách nhiệm sản xuất một nửa lượng khí ôxi trên mặt đất và thu hồi khoảng 100 triệu tấn khí cácbon điôxít/ngày... Đó chính là "cái bơm sinh học", song chúng lại đang suy sụp.
Vòng đời của thực vật nổi rất phức tạp và dao động theo mùa và địa điểm. Vì vậy, thật khó xác định xu hướng phát triển của loài vi sinh vật đơn bào đại dương này. Mặc dù vậy, dường như số lượng thực vật nổi đang giảm dần, khoảng 1%/năm. Từ năm 1950, tổng số lượng thực vật nổi đã giảm 40%.
Khí hậu nóng lên là nguyên nhân
Để có được các số liệu trên, các nhà nghiên cứu đã phải thực hiện nhiều biện pháp nghiên cứu chính xác trong thời gian dài. Từ năm 1899, nhờ vào kỹ thuật đĩa Secchi (Một đĩa trắng dùng để đo độ trong của nước biển bằng cách nhúng nó vào trong nước đến khi nó không còn được thấy nữa), độ trong của nước biển đã được đo thường xuyên. Các biện pháp khác hiện đại hơn cũng đã được tiến hành: đo lượng diệp lục và quan sát màu của các đại dương bằng vệ tinh.
Sự tương quan của ba phương pháp trên, kèm theo đó là những biện pháp khác, đã mang đến cho các nhà nghiên cứu của đại học Dalhousie (Canada) kết luận là lượng thực vật nổi đã giảm ở mức 8/10 đại dương được nghiên cứu.
Điều này đặc biệt xảy ra tại Đại Tây Dương, vùng biển xích đạo, biển Bắc Cực và Nam Cực. Ấn Độ Dương là đại dương duy nhất có các dấu hiệu cho thấy lượng sinh khối thực vật nổi tăng lên.
Mặc dù gặp khó khăn về khoa học và kỹ thuật song các nhà nghiên cứu Canada đã thực hiện được những quan sát trên và họ hoàn toàn tin tưởng vào kết quả thu được.
Hệ động vật và thực vật biển đang nghèo dần
Lý do dẫn đến kết luận trên thật đơn giản: nước biển nóng lên là nguyên nhân chính. Mặt nước biển nóng lên khoảng 0,5-1°C trong thập kỷ vừa qua đã làm hạn chế trao đổi thức ăn đồng hoá trực tiếp giữa tầng nước sâu và tầng nước bề mặt...
Việc giảm lượng sinh khối thực vật nổi là một trong những hiện tượng làm thay đổi cân bằng trong đại dương. Nó cũng góp phần làm giảm quần thể động vật biển, như các loại cá có vú.
Việc các dải san hô dần biến mất, nước biển bị axít hoá cao, các nguồn tài nguyên biển bị khai thác quá mức... sẽ gây ra những hậu quả dài hạn. Một điều chắc chắn là môi trường biển, tấm gương phản chiếu sức khoẻ của hành tinh chúng ta, sẽ cần phải được theo dõi sát sao./.
Theo báo RUE89.com (Bài dịch)