Liên minh do Nga sáng lập này được cho là sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Liên minh châu Âu gồm 28 quốc gia thành viên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/12 đã tuyên bố rằng những “mảnh
ghép cuối cùng” đã hoàn tất và liên minh này sẽ được khởi động vào năm
2015.
Tuyên bố trên của ông Putin được đưa ra sau các cuộc đàm phán với
Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và Tổng thống Belarus
Alexander Lukashenko về việc Liên minh Kinh tế Âu-Á có thể trở thành
động lực phát triển mới cho tất cả các nước thành viên.
Liên minh mới này được kỳ vọng sẽ thay thế cho Liên minh Hải quan
Âu-Á vốn rất lỏng lẻo trước đây mà Nga cũng là người khởi xướng cùng với
hai nước Kazakhstan và Belarus nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự
do cạnh tranh với khu vực thương mại của Liên minh Châu Âu bao gồm 28
quốc gia thành viên.
“Đại diện các chính phủ của nhóm bộ ba này đã đưa ra một bản dự thảo
về các quy định pháp lý của Liên minh Kinh tế Âu-Á”, ông Putin tuyên bố
trên truyền hình.
“Bản dự thảo này sẽ quyết định tư cách pháp lý quốc tế, tổ chức,
nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Liên minh kể từ tháng 1/1/2015”, ông
Putin cho biết.
Cùng ngày, cả 3 quốc gia trên đã thống nhất “lộ trình” để Armenia gia nhập vào Liên minh Kinh tế Âu-Á.
Đầu tháng trước, Armenia được kỳ vọng là sẽ ký một thỏa thuận ban đầu với Liên minh châu Âu.
Armenia đã thay đổi quyết định của mình sau khi ông Putin hứa tăng
giá khí đốt mà nước này bán cho Nga từ 189 USD lên 270 USD/1.000m3.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Igor Shuvalov nói rằng sẽ phải mất
khoảng nửa năm để Armenia chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Âu-Á
này.
Trong khi đó, ông Putin cũng cho biết thêm rằng Kyrgyzstan cũng đã
thực hiện các cuộc đàm phán với Nga để trở thành thành viên của Liên
minh.
Theo AFP, ông Putin hy vọng rằng Liên minh Kinh tế này một ngày nào
đó sẽ có sự tham gia của các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và trở thành
một “hòn đá tảng” trong chính sách của ông trong nhiệm kỳ thứ 3 của
mình ở Kremlin.
Khả năng thành công của Liên minh Kinh tế Âu-Á của Tổng thống Nga đã
ngày càng trở nên rõ rệt hơn sau khi Ukraine đồng ý nhận gói cứu trợ trị
giá tới 15 tỷ USD của Nga bao gồm việc giảm 1/3 giá khí đốt của Nga bán
cho Ukraine.
Phát biểu trong cuộc đàm phán tại Moscow với Thủ tướng Nga Dmitry
Medvedev, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov nói rằng Ukraine đã nhận được 3
tỷ USD trong gói cứu trợ của Nga.
“Số tiền này giúp chúng tôi ổn định tình hình trong nước. Nhờ có thỏa
thuận vừa đạt được với Nga mà các chỉ số kinh tế của chúng tôi đều tăng
manh. Chúng tôi đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đã từng bị
sa vào”, trang web của Chính phủ Ukraine trích lời của ông Azarov trước
cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin để bàn về Liên minh Kinh tế Âu-Á.
Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara tuyên bố rằng Kiev và Moscow dự định sẽ tiếp tục “hợp tác về ngoại giao”.
“Tôi đề nghị Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ủng hộ nỗ lực của Ukraine
trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp
Quốc”, ông Kozhara nói./.
Theo VOV