Khâu đột phá quan trọng của cải cách hành chính
TTHC là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức. TTHC có vai trò quan trọng trong quản lý hành chính Nhà nước và đời sống xã hội bởi nó là phương tiện chuyển tải chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp với người dân. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp hoặc ở các văn bản pháp luật khác có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào, về cơ bản, đều phải thông qua TTHC do các cơ quan hành chính nhà nước, các cấp chính quyền quy định, trực tiếp hoặc ủy quyền giải quyết. Chính vì vậy, cải cách TTHC đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI xác định là một khâu đột phá quan trọng của tiến trình cải cách hành chính ở nước ta.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó có việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước. Nhiều mô hình trung tâm hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung đã phát huy hiệu quả, đáp ứng sự mong đợi của người dân. Một số địa phương đã từng bước tiếp cận và chủ động nghiên cứu, áp dụng những phương thức, cách thức mới trong giải quyết TTHC để phục vụ người dân được tốt hơn với phương châm thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch. Nhiều giải pháp hay, cách làm sáng tạo cũng đã được tổ chức thực hiện tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong tiếp cận và thực hiện TTHC.
Tuy đạt được một số kết quả nhưng cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC nói riêng trong nhiệm kỳ 2011-2015 vẫn chưa được như mong đợi. Nhiều TTHC đã trở thành “thủ tục hành dân là chính”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016) đã thẳng thắn thừa nhận: “Cải cách hành chính còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; TTHC còn phức tạp, phiền hà, đang là rào cản lớn đối với việc tạo lập môi trường xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho sự phát triển”(2).
Chính vì lý do trên, Đại hội XII của Đảng đã chọn khâu đột phá là cải cách TTHC. Nghị quyết đại hội nhấn mạnh: “Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước theo hướng xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước; giảm mạnh, bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đẩy nhanh việc áp dụng chính phủ điện tử”(3).
Cần đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa TTHC
Đó là mong muốn của đại đa số người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Theo ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhiều TTHC phiền hà, hành dân, hành doanh nghiệp đã được bãi bỏ. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít các thủ tục rườm rà, phức tạp cần phải được đơn giản hóa. Báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14.300 tỷ đồng mỗi năm. CIEM kiến nghị nếu cắt giảm 30% danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4.300 tỷ đồng; nếu cắt giảm 50% danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7.100 tỷ đồng…
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thực tế, nạn giấy phép con nói riêng và TTHC nói chung đang “hành” doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ mất thời gian, công sức, chi phí thực hiện các TTHC, thủ tục xin giấy phép, mà còn bị mất đi cơ hội kinh doanh.
Số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đông nhưng số lượng doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cũng nhiều. Điều này chứng tỏ, lập ra doanh nghiệp nhưng môi trường để cho doanh nghiệp sống và lớn lên lại không thuận lợi. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân quan trọng dẫn đến doanh nghiệp phải phá sản chính là vì TTHC rườm rà, tệ sách nhiễu doanh nghiệp của các địa phương vẫn còn tồn tại.
Tại buổi làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách TTHC mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hội đồng tư vấn cải cách TTHC phải chủ động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó, cần lựa chọn những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng, kiểm tra chuyên ngành... Đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện việc đánh giá cải cách TTHC tại bộ, ngành, địa phương theo Đề án xây dựng và công bố chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC đã được Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC phê duyệt; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp biết, giám sát việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông, việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp tại các bộ, ngành địa phương để tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác này tại các bộ, ngành, địa phương.
Trước phản ánh của một thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC về việc có cán bộ cấp cục, vụ nói rằng “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi”, Thủ tướng đề nghị cần phải loại cán bộ không chịu cải cách ra khỏi bộ máy hành chính.
Người dân và doanh nghiệp hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thủ tục hành dân sẽ dần dần bị loại bỏ. Tuy nhiên, sự chuyển động này phải lan tỏa xuống được đến chính quyền cơ sở thì người dân mới thực sự được hưởng lợi. Theo đó, việc đổi mới cách thức giải quyết TTHC tại các địa phương cần phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đối với mỗi địa phương, cần nhất quán trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, có kế hoạch, lộ trình cụ thể để bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hoặc thuê trụ sở, trang bị các phương tiện làm việc tại các trung tâm hành chính này theo nguyên tắc bảo đảm không gian, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi và hợp lý nhất. Cũng cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm phối hợp, sự kiểm tra chặt chẽ đối với từng công đoạn trong quy trình giải quyết TTHC.
Cải cách TTHC đang là yêu cầu bức xúc của nhân dân, doanh nghiệp, của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài, là khâu đột phá của tiến trình cải cách hành chính Nhà nước. Để cải cách TTHC thành công, rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả mọi người trong xã hội./.
____________________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, H, 2016, tr.178.
(2) SĐD, tr.174.
(3) SĐD, tr.178.
Đỗ Phú Thọ (Báo QĐND)