Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 31/3/2010 14:3'(GMT+7)

Loay hoay chọn nghề

Đã sắp hết hạn nộp hồ sơ cho mùa tuyển sinh 2010 nhưng nhiều bạn trẻ vẫn lúng túng trong việc chọn nghề lập nghiệp. Ở các nước trên thế giới, học sinh tốt nghiệp THPT thường thích chọn trường nghề để nhanh chóng có việc làm, nhưng ở Việt Nam, đại học, cao đẳng mới là đích hướng tới của học sinh sau khi tốt nghiệp. Điều này một phần do xã hội chúng ta vẫn coi trọng bằng cấp, một phần do lâu nay khái niệm học nghề thường được hiểu theo nghĩa hẹp là đào tạo công nhân kỹ thuật bậc thấp. Hình ảnh tương lai của học sinh học nghề luôn gắn liền với người công nhân áo xanh, tay chân dính đầy dầu mỡ. Vì thế, hàng năm, 90% học sinh tốt nghiệp THPT chọn thi vào đại học, cao đẳng.

Nếu căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT, chỉ 30% trong tổng số các thí sinh tham dự kỳ thi đỗ vào đại học. Thi trượt, nhiều học sinh lại tiếp tục dùi mài kinh sử để thi đại học tiếp vào năm sau hoặc cố gắng vào được một trường đại học dân lập, hay trường quốc tế nào đó. Các trường nghề chỉ được lựa chọn khi các em không còn sự lựa chọn nào khác.

Thực ra học đại học, cao đẳng hay học nghề cũng là để mỗi người chúng ta học được một cái nghề. Nếu xét theo khía cạnh nghề nghiệp thì không có sự phân biệt sang hèn giữa các nghề trong xã hội. Sự khác nhau căn bản chỉ là thời gian đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề mà bạn trẻ quan tâm là khoảng cách mức lương của một người có tấm bằng trung cấp với một người có tấm bằng cao đẳng, đại học. Nhưng thực tế hiện nay, khoảng cách này đang dần thu hẹp, thậm chí trong nhiều ngành nghề, tấm bằng trung cấp đã lên ngôi bởi tiêu chí thực hành kỹ thuật được đề cao.

Cả nước hiện có trên 2.000 cơ sở dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh về số lượng và đa dạng hóa về hình thức tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu học nghề. Nếu chúng ta làm tốt công tác hướng nghiệp cho các em học sinh, bên cạnh đó, các trường dạy nghề không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học nghề, điều này sẽ làm giảm bớt gánh nặng thi cử và những lãng phí không cần thiết.

Doanh nghiệp khó tuyển lao động

Tại một sàn giao dịch việc làm vừa được Sở LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, 180 DN tham gia ngồi kín hội trường, tràn ra cả phía ngoài sảnh để chờ đợi ứng viên tham gia tuyển dụng. Nhưng nửa ngày trôi qua, cả 3 DN chúng tôi tiếp xúc đều có chung lời than: Rất khó tuyển dụng. DN đến tuyển dụng thì nhiều mà ứng viên đến tham gia tuyển dụng chỉ lác đác vài người càng làm tăng thêm vẻ đìu hiu của sàn giao dịch việc làm.

Ông Nguyễn Công Hùng, Công ty ACT (chuyên thi công lắp đặt điện nước) cho rằng, không chỉ công ty của ông mà nhiều công ty khác cũng rất khó tuyển dụng lao động. Công ty cũng đã liên hệ trực tiếp với một số trường dạy nghề để tuyển công nhân kỹ thuật nhưng vẫn chưa tuyển được đủ người. “Chúng tôi đang có phương án dự phòng là phải liên kết với các đơn vị khác để đảo người, tuy nhiên về lâu dài, để công ty phát triển bền vững vẫn phải tuyển cho đủ người”- ông Hùng chia sẻ.

Còn Anh Vũ Văn Huy, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Thực phẩm Disco cho biết, ngoài tuyển dụng ở những hội chợ việc làm, Công ty còn tuyển dụng từ nhiều mối quan hệ xã hội khác rồi đào tạo thêm. DN tuyển dụng được nguồn nhân lực đã khó, nhưng cái khó nữa là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với yêu cầu công việc.

Ông Thái Công Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật Nam Hoàng thẳng thắn, các bạn mới qua tuyển dụng chưa hòa nhập ngay được với công việc và cũng cần thời gian để nâng cao tay nghề nhưng vừa vào công ty đã đòi hỏi mức lương rất cao. “Khi tuyển nhân viên vào công ty, chúng tôi phải đào tạo lại từ kỹ năng đi đứng, bắt tay, phong cách làm việc, cách tiếp xúc khách hàng. Tôi thấy, ở trường học đào tạo lý thuyết cao siêu, không sát với thực tế. Đó là sự lãng phí lớn, vì vậy, DN và các trường đại học, cao đẳng cần ngồi lại với nhau để tìm hiểu nhu cầu và xây dựng chuẩn giáo trình đào tạo”.

Đại diện Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đã hoàn thành bộ tiêu chí kiểm định chất lượng các trường cao đẳng, trung cấp nghề gồm 9 tiêu chí, 50 tiêu chuẩn và 250 chỉ số. Hệ thống tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các trung tâm dạy nghề hiện cũng đã xây dựng xong và đang được triển khai thử nghiệm tại một số nơi. Bên cạnh đó, các hội nghề nghiệp cũng đã xây dựng được 85 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay công việc này vẫn đang dừng ở giai đoạn biên soạn đề thi và ngân hàng câu hỏi.

Mục đích của kiểm định dạy nghề là góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề và trình độ nhân lực. Qua hoạt động kiểm định dạy nghề để thấy được những mặt yếu, những mặt tồn tại của các trường để từ đó định hướng khắc phục.

Để các em thấy học nghề là một con đường tốt

Ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho rằng, học sinh hiện nay chưa được chuẩn bị tốt về tâm lý cũng như nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp, bậc học của mình. Do vậy, cứ đổ xô đi thi đại học trong khi tỉ lệ đỗ ít, tiền đóng lệ phí tuyển sinh, chấm thi, tiền ăn ở, học tập của thí sinh gây lãng phí rất lớn. Nếu chúng ta làm tốt công tác hướng nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí này.

Bên cạnh đó, các trường dạy nghề cần cố gắng khẳng định mình để các em thấy học nghề là một con đường tốt. Ông Vinh cho rằng, thành lập một trường dạy nghề tốt cần rất nhiều điều kiện bởi trường dạy nghề ngoài cơ sở vật chất như: lớp học, phòng thí nghiệm, thư viện như trường đại học… còn phải có các xưởng thực hành. Đầu tư cho trường dạy nghề rất lớn.

Công tác kiểm định chất lượng dạy nghề giúp các trường dạy nghề nhìn nhận lại những gì mình đã đạt được và chưa đạt được, chưa đạt được thì do nguyên nhân gì, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án điều chỉnh. Việc ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn dạy nghề vừa giúp cho các trường đảm bảo chất lượng vừa giúp cho xã hội có cái nhìn chính xác, khách quan về các trường dạy nghề.

Hướng nghiệp chưa đi vào thực chất

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, chương trình dạy nghề mới đòi hỏi các giáo viên dạy nghề phải có khả năng dạy cả lý thuyết lẫn thực hành. Để chuyển hóa toàn bộ giáo viên dạy nghề theo yêu cầu mới không phải một lúc chúng ta có thể làm được ngay mà phải làm dần từng bước ở 3 cấp độ. Cấp độ 1, tạo điều kiện thu hút người có khả năng vào trường dạy nghề. Cấp độ 2, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Cấp độ 3, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ở một số chương trình có tính chất quốc tế nhằm đáp ứng được những nghề hội nhập khu vực và quốc tế.

Trong nhiều năm qua, công tác hướng nghiệp ở Việt Nam đã được triển khai, nhưng chưa được tốt, chưa đi vào thực chất. Để làm tốt công tác hướng nghiệp, các cơ quan truyền thông, các bộ, ngành, trường, DN phải cung cấp thông tin một cách khách quan để học sinh tự lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Hướng nghiệp hiện nay nặng về sự áp đặt của bố mẹ học sinh.

Nắm vững 5 chữ "vừa"

TS. Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH có lời khuyên đối với các bạn trẻ đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp, đó là cần phải nắm vững được 5 chữ "vừa": vừa với trình độ, vừa với khả năng, vừa với tính cách, vừa với sức khỏe, vừa với túi tiền.

Với chương trình đào tạo liên thông, những bạn trẻ kinh tế gia đình khó khăn hoàn toàn có thể học từ trung cấp lên đại học. Nếu thi vào ĐH Bách Khoa, các bạn phải học 4-5 năm, thì thi vào trung cấp sau 2 năm học nghề đã có thể ra trường đi làm, sau đó muốn học lên thì tiếp tục học thêm./.

(Theo: Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất