Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 24/3/2010 8:44'(GMT+7)

Giáo dục đạo đức cho học sinh: Cần hiểu để tác động đúng

Một trong những môi trường quan trọng giáo dục đạo đức học sinh là trường học. Ảnh chụp tại trường THCS Đông Thái (Hà Nội). Ảnh: N.N

Một trong những môi trường quan trọng giáo dục đạo đức học sinh là trường học. Ảnh chụp tại trường THCS Đông Thái (Hà Nội). Ảnh: N.N

Gần đây, những vụ việc học sinh đánh hội đồng liên tục được các phương tiện truyền thông, dư luận xã hội nhắc tới. Chuyện học sinh đánh nhau không phải là chuyện mới. Nhưng cái làm chúng ta lo ngại chính là thái độ của các em khi nhìn nhận sự việc này.

Chọn cách “lảng tránh”, thái độ thờ ơ của các em trước bạo lực đặt ra một dấu hỏi lớn về lối sống của lớp trẻ mà mai đây sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Các em cần được sẻ chia.

Có một cách ứng xử giữa các học sinh có lẽ còn đáng sợ hơn hình thức bị đánh đập. Cụm từ “tẩy chay” đã chẳng còn xa lạ trong giới học đường. Khởi nguồn từ một cách nghĩ nông cạn, thiếu rộng lượng, không muốn chấp nhận những bạn bè không giống mình mà có học sinh lôi kéo, dọa dẫm những thành viên ngại va chạm để bao vây, cấm vận, cô lập bạn học.

Lý giải cho những thái độ khó hiểu trên của mình, nhiều học sinh được hỏi đổ lỗi cho áp lực học tập. Em Nguyễn Thu Hà, một học sinh lớp 8 tại Hà Nội cho biết, em phải đi học từ sáng đến 11 giờ trưa, buổi trưa có khoảng 2 – 3 tiếng để nghỉ ngơi nhưng phần lớn các bạn dành thời gian đó để chuẩn bị cho tiết học buổi chiều nên thời gian để lấy lại thăng bằng rất ít, cảm thấy mệt mỏi, chán trường, chán lớp. Do tinh thần căng thẳng, áp lực dẫn đến bức xúc trong các mối quan hệ. Đối với thầy cô thì ăn nói trống không, ngỗ ngược, đối với bạn bè dù là chuyện nhỏ lại phóng thành to như để xả giận, lời qua tiếng lại, nhiều khi dẫn đến đánh chửi nhau. Em nghĩ rằng, để mối quan hệ giữa thầy với trò tốt đẹp, theo em các thầy cô nên thông cảm, chia sẻ với học sinh, coi trò là người bạn nhỏ tuổi để tâm sự, giúp học sinh lấy lại tinh thần và cân bằng không học tập.
   
Có thể, với tuổi đời non nớt, cách lý giải trên chỉ là một khía cạnh nhỏ, chưa thể thỏa mãn được người lớn. Nhưng, một sự thật không thể phủ nhận là các em luôn mong muốn một cách nhìn nhận thông cảm, một cách ứng xử tâm lý từ phía thầy cô và gia đình.

Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi thiếu niên, các em đang muốn khẳng định bản thân, nhưng có vài trường hợp cá biệt chọn cho mình một cách khá kỳ quặc để khẳng định cá tính như hành động “đại ca”, lời nói không phù hợp với lứa tuổi…

Điều đó là do cách suy nghĩ lệch lạc, do nhận thức chưa đúng nhưng chưa chắc các em đó đã phải là người xấu. Điều đó lý giải vì sao, một học sinh ngang tàng, có thể rất đáng sợ đối với nhiều người nhưng với một số em lại được cho là “bạn tốt”, là “chơi đẹp”. Càng những trường hợp như vậy, càng cần các thầy cô gần gũi, đối xử chân tình và sẵn sàng lắng nghe.

Cô Hà Thị Dôi, Tổng phụ trách Trường THCS Hòa Thạch (Quốc Oai, Hà Tây) tâm sự, nếu dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả trái tim, tâm hồn, tình cảm, dạy bằng cả nhân cách của chính mình đồng thời phải tiến hành đồng bộ ở các cấp học, mọi lúc, mọi nơi.

Ngoài việc giảng giải, giáo dục trong mỗi bài học, trong từng việc làm thì nhà trường, gia đình phải tạo được môi trường giao tiếp giúp các em mạnh dạn, tự tin bày tỏ suy nghĩ, tâm tư của mình; tạo được không khí bình đẳng, dân chủ, đầy tình thương và bao dung, một thái độ thân thiện, không áp đặt.

Thầy cô và cha mẹ hãy thật sự là người bạn lớn giúp các em dễ dàng chia sẻ, bộc bạch những tình cảm,  suy nghĩ của mình, hướng các em đến những khuôn phép đạo đức để các em thấy được, hiểu được và làm được. Cuối cùng, chẳng có phép mầu nào ngoài ý chí và tình yêu thương giúp chúng ta có thể giữ gìn, phát huy chuẩn mực đạo đức muôn đời.

Giáo dục đạo đức học sinh: vai trò của giáo viên chủ nhiệm?

Trong cơ chế tổ chức giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh sắp xếp thứ tự theo chức năng, nhiệm vụ thì giáo viên chủ nhiệm đứng ở vị trí đầu tiên.

Khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của giáo viên chủ nhiệm, Ông Nguyễn Hoài Long, Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) lý giải: giáo viên chủ nhiệm quan trọng vì họ chính là cầu nối giữa học sinh và các giáo viên khác, cầu nối giữa học sinh và nhà trường, giữa học sinh và gia đình.

GV chủ nhiệm cần được quan tâm hơn nữa. Ảnh: N.N
GV chủ nhiệm cần được quan tâm hơn nữa. Ảnh: N.N

Thế nhưng, thời nay, chuyện giáo viên đến từng nhà học sinh để tìm hiểu, động viên đã trở thành “chuyện hiếm”. Chỉ khi học sinh có khuyết điểm hoặc có sự thay đổi đột biến nào đó, giáo viên mới thông báo về gia đình và thường là bằng điện thoại. Sự xa cách cô trò là một trong những nguyên nhân khiến các thầy cô rơi vào thế bị động, khiến nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra trong khi hoàn toàn có thể ngăn chặn.

Cô Nguyễn thi Hải Yến – Tổng phụ trách trường THCS Ngọc Mỹ, Quốc Oai với 4 năm giữ vai trò là giáo viên chủ nhiệm, chuyên giáo dục các học sinh cá biệt thừa nhận, công tác chủ nhiệm hiện nay không được sâu sát như ngày xưa. Giáo viên chủ nhiệm luôn có suy nghĩ đó là công việc “phải làm” nên sự quan tâm với học trò cũng hạn chế hơn so với trước, khoảng cách cô trò cũng vì thế mà ngày càng xa.

Trước kia, giáo viên chủ nhiệm đúng như người mẹ thứ 2, bất kỳ điều gì học sinh cũng có thể chia sẻ với cô chủ nhiệm của mình.

Nhưng hiện nay, nhiều học sinh tìm đến cô tổng phụ trách hoặc giáo viên bộ môn mà em tin tưởng nhiều hơn là giáo viên chủ nhiệm. Trước kia, khi học sinh có mâu thuẫn, giáo viên chủ nhiệm sẽ đến tận nhà hỏi han tình hình, thậm chí nhờ sự giáo dục của gia đình ngay tại chỗ để uốn nắn các em kịp thời. Nhưng, chuyện này, thời nay, quả thật là hiếm.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu vào vấn đề thì bản thân người giáo viên làm công tác chủ nhiệm cũng có nhiều cái khó. Ông Nguyễn Hoài Long cho biết, khối lượng công việc của người giáo viên chủ nhiệm rất căng thẳng. Nếu làm công tác đội còn được phần trăm lương, làm tổ trưởng bộ môn cũng được hệ số nhưng công tác chủ nhiệm không có chế độ phụ cấp gì, chỉ được giảm số tiết, thường là ít hơn 4 tiết so với giáo viên bộ môn. Tuy nhiên, công tác chủ nhiệm đâu phải chỉ có thực hiện trong 4 tiết ít ỏi.

Ông Long cho rằng, để cải thiện tình hình, kéo cô giáo chủ nhiệm và học sinh lại gần nhau hơn, cần có giải pháo vĩ mô và đồng bộ, nhưng việc quan trọng đầu tiên phải làm nên bắt đầu ngay từ việc đào tạo trong trường sư phạm, phải đào tạo lòng yêu nghề, tình cảm và nhân cách người thầy ngay từ thời còn sinh viên. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho giáo viên chủ nhiệm cũng cần được cải thiện để họ có thể toàn tâm toán ý với nghề.

Cô Nguyễn thi Hải Yến – Tổng phụ trách trường THCS Ngọc Mỹ thì cho rằng, hiệu trưởng cần “chọn mặt, gửi vàng”, chọn được giáo viên chủ nhiệm là người thực sự có tâm, đủ nhiệt tình và thời gian. Bên cạnh đó, mặc dù là trách nhiệm chung, nhưng nhà trường cũng cần có sự ưu đãi hoặc chế độ khen thưởng, động viên kịp thời. 

Chiều 22/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông về vụ việc xô xát giữa các nữ sinh. Theo báo cáo của ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, trong vụ việc có hai HS đáng ra chịu mức kỷ luật nặng nhất là đuổi học, tuy nhiên, với trách nhiệm và lương tâm của những người làm công tác giáo dục, nhà trường quyết định để các em ở lại trường học với điều kiện các em phải rèn luyện, phấn đấu tiến bộ và có sự theo dõi, quản lý của giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, chi đoàn và tập thể lớp.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp có HS tham gia vụ việc và BGH nhà trường đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giáo dục HS. Từ vụ việc này, nhà trường sẽ có biện pháp thiết thực để quản lý HS, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn thể Hội đồng sư phạm nhà trường và đội ngũ GVCN.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Hiếu yêu cầu Trường THPT Trần Nhân Tông có văn bản báo cáo cụ thể diễn biến vụ việc và hình thức xử lý; kiểm điểm rõ trách nhiệm của các GVCN, BGH và tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn trường; giao trách nhiệm cho Phòng Công tác học sinh - sinh viên phối hợp với các phòng chuyên môn chỉ đạo các đơn vị tăng cường hoạt động giáo dục đạo đức cho HS với nội dung thiết thực, hiệu quả hơn.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố HN Ngô Thị Thanh Hằng đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng báo cáo kết quả kiểm điểm và hình thức kỷ luật cụ thể đối với từng HS tham gia vụ việc trên theo quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường; yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông kiểm điểm trách nhiệm trong việc tổ chức giáo dục, quản lý HS và ứng xử khi xảy ra sự việc; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp có HS tham gia nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn bộ đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và hội đồng giáo dục nhà trường. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các trường cần có biện pháp tiếp tục theo dõi, giúp đỡ để những HS tham gia vụ việc không tái phạm, đồng thời tăng cường quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho tất cả HS nhà trường, kịp thời ngăn ngừa các hành vi sai trái tương tự.


DT (theo Hiếu Nguyễn- Báo Giaoducthoidai)


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất