Thứ Sáu, 20/9/2024
Thế giới
Thứ Năm, 4/7/2013 10:21'(GMT+7)

Lợi thế người đến sau

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu phủ bóng mây lên các nền kinh tế thế giới, châu Phi vẫn nổi lên như một “điểm sáng” nhờ triển vọng phát triển cùng những lợi thế dồi dào tài nguyên. Châu Phi đang trở thành đích đến đầy hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Oa-sinh-tơn không thể đứng ngoài “cuộc đua” tới lục địa đen đang hồi nóng bỏng.

Về kinh tế, chuyến công du của ông Ô-ba-ma không chỉ mở đường cho các doanh nghiệp Mỹ tới đầu tư, mà còn tạo cơ hội cho các thỏa thuận thương mại song phương hứa hẹn đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Về an ninh, trước thực tế lục địa đen đang trở thành một trong những chiếc nôi nuôi dưỡng và ẩn náu của các phần tử khủng bố, Oa-sinh-tơn càng không thể xem nhẹ, nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.


Về mặt đối ngoại, Mỹ cần chứng tỏ là một cường quốc có trách nhiệm trước một châu Phi còn đầy rẫy những khó khăn cả về an ninh lẫn kinh tế cũng như các vấn đề xã hội. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Ô-ba-ma đã gây thất vọng cho lục địa đen bởi sự lơ là, thậm chí là “bỏ quên” của Mỹ đối với châu lục này. So với hai nhiệm kỳ tiền nhiệm của Tổng thống Bin Clin-tơn và Gioóc-giơ Bu-sơ, khi quan hệ Phi - Mỹ tương đối gắn bó với các khoản viện trợ khá hào phóng, thì sự quan tâm của ông Ô-ba-ma với lục địa đen quả là quá nhạt nhòa. Kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng cho tới nay, Tổng thống Ô-ba-ma hầu như chưa có chính sách cụ thể nào đối với châu Phi, ngoại trừ vài tuyên bố mang tính tượng trưng trong chuyến thăm ngắn ngủi chưa đầy 22 giờ đồng hồ tới Ga-na vào năm 2009. Thậm chí, đã có câu hỏi chất vấn về vai trò mờ nhạt của Mỹ ở châu Phi trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông Ô-ba-ma ở Nhà Trắng.


Trở lại châu Phi lần này là cơ hội để ông Ô-ba-ma “vỗ về” châu Phi rằng, Mỹ không hề “bỏ rơi” lục địa này dù Mỹ đã chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á. Mặc dù không có các hợp đồng bạc tỷ được ký kết nhưng chương trình nghị sự của chuyến thăm cho thấy, Oa-sinh-tơn đang khởi động một chiến lược tổng thể, bao quát và rõ ràng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác với lục địa đen. Không phải ngẫu nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng chọn ba điểm đến là Xê-nê-gan, Nam Phi và Tan-da-ni-a đại diện cho ba khu vực Tây, Nam và Đông châu Phi. Với chương trình nghị sự đa dạng, ông Ô-ba-ma đã chứng tỏ Oa-sinh-tơn đang chọn cách tiếp cận bài bản nhằm duy trì vai trò ảnh hưởng lâu dài ở châu Phi. Trước thềm chuyến công du, ông Ben Rốt từng cho biết, Mỹ mong muốn tái thiết lập một đường lối can dự vào châu Phi trong vài năm tới.


Cụ thể, chương trình nghị sự của ông Ô-ba-ma chú trọng vào các biện pháp thúc đẩy dân chủ, phát triển kinh tế toàn diện, bảo đảm an ninh lương thực, chăm sóc y tế, chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực trẻ ở châu Phi. Đáng chú ý trong chuyến thăm, ông Ô-ba-ma đã công bố sáng kiến “Điện năng châu Phi”, theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ 7 tỷ USD trong vòng 5 năm nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện cho các quốc gia thuộc khu vực Hạ Xa-ha-ra. Mỹ coi đây là một trong những bài toán chiến lược nhằm gia tăng ảnh hưởng tại lục địa đen.


Nhưng ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến tuyên bố của ông Ô-ba-ma có thể làm vui lòng bất cứ nhà lãnh đạo châu Phi nào, đó là Oa-sinh-tơn muốn xây dựng một mô hình hợp tác mới với châu Phi trên cơ sở đối tác và hợp tác thương mại chứ không chỉ thông qua hình thức viện trợ. Thông qua tuyên bố này, Oa-sinh-tơn phát đi một tín hiệu là Mỹ giúp “cần câu” chứ không phải “con cá” để châu Phi có thể trở thành đối tác bình đẳng với các nước để phát triển mà không phải dựa mãi vào viện trợ nước ngoài. Với hướng tiếp cận khá khôn ngoan như thế, ông Ô-ba-ma được cho là đã đi “nước cờ cao” so với một số nước khác cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện ở châu Phi.

Quả thực, đem so sánh với các chính sách bị chỉ trích là đã “khai thác quá mức” châu Phi cùng những “mặt trái” tiêu cực của những chính sách đầu tư mà một số nước đang triển khai ở đây, thì những cam kết của ông Ô-ba-ma quả có sức hấp dẫn hơn. Nó tạo ra ấn tượng rằng, Mỹ đang hứa giúp lục địa đen phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho từng người dân chứ không chỉ một số đối tượng nào đó.


Hiện Trung Quốc đang nổi lên là một đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của châu Phi, vượt cả Mỹ, đe dọa tới vị thế cũng như vai trò của Mỹ ở lục địa đen. Theo thống kê, kim ngạch buôn bán hai chiều của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua đã tăng gần 20 lần, từ 11 tỷ USD năm 2000 lên 200 tỷ USD năm 2012, gấp hơn hai lần tổng kim ngạch buôn bán của Mỹ với châu lục này.


Trước một Trung Quốc quá nổi trội như thế, phải chăng đã quá muộn khi giờ đây Mỹ mới trở lại lục địa đen? Thực ra, cũng cần khách quan nhìn nhận rằng, chính quyền ông Ô-ba-ma khó mà có thể trở lại châu Phi sớm hơn trong bối cảnh phải kế thừa những di sản nặng nề của chính quyền tiền nhiệm với nền kinh tế suy thoái và gánh nặng bởi hai cuộc chiến I-rắc và Áp-ga-ni-xtan cũng như sứ mệnh nặng nề ở Trung Đông. Muộn còn hơn không, sự trở lại châu Phi của Mỹ vào thời điểm hiện nay chưa hẳn đã là bất lợi, vì Mỹ đã tỏ ra rất biết cách khai thác lợi thế của kẻ tới sau. Cách tiếp cận của Oa-sinh-tơn đối với châu Phi mà ông Ô-ba-ma thể hiện trong chuyến công du được cho là đã dựa trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những quốc gia đi trước.


Nhưng để biến tham vọng ở châu Phi thành hiện thực, nhất là khi cuộc đua tới lục địa đen đang ngày càng quyết liệt, chính quyền Mỹ còn phải vượt qua “hàng núi” thách thức./.


Mỹ Hạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất