Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 28/10/2011 21:14'(GMT+7)

Long An: Hiệu quả sau hai năm thực hiện chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"

Sau 2 năm triển khai thực hiện CVĐ, tỉnh Long An đã bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng giúp người tiêu dùng có nhận thức rõ hơn về lợi ích khi dùng hàng Việt.

Các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể đã vận động nhân dân trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và tổ chức thành công 41 phiên chợ hàng Việt về nông thôn với kinh phí tổ chức khoảng 4 tỷ đồng, tại các huyện, thành phố với hàng trăm gian hàng của hơn 20 đơn vị, doanh nghiệp tham gia thu hút được nhiều người dân nông thôn đến mua sắm, bước đầu đã xây dựng được niềm tin vào sản phẩm nội địa đối với người tiêu dùng, giúp thương hiệu hàng hoá Việt có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường vùng nông thôn trong tỉnh.
 
Bên cạnh đó tỉnh Long An còn tổ chức được 8 phiên chợ hàng Việt về các khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu của đội ngũ công nhân, góp phần giảm bớt khó khăn trong thời điểm giá cả thị trường tăng cao. Với chính sách giá thấp hơn thị trường từ 5-10%, cách phục vụ tận tình cùng với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn đã thu hút hàng trăm lượt người đến mua sắm tại mỗi phiên chợ. Doanh thu mỗi phiên chợ bình quân đạt khoảng 250 triệu đồng, tổng doanh thu của 41 phiên chợ đạt hơn 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã giới thiệu được những sản phẩm Việt Nam có chất lượng tốt không thua kém hàng ngoại nhập cùng loại, giá cả thấp hơn giá thị trường. Điều này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng Việt, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị hiếu tiêu dùng của người dân nông thôn, kịp thời có những cải tiến mẫu mã, giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, mở rộng được đại lý phân phối.

Khá nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các đợt bán hàng về nông thôn, tham gia bán hàng tại các hội chợ - triển lãm hàng Việt, tuần bán hàng vì người tiêu dùng và hàng trăm điểm bán hàng bình ổn giá, mức tăng trưởng mạnh doanh thu bán hàng Việt từ đô thị đến nông thôn.

Qua khảo sát, hầu hết người dân tham gia mua sắm tại các phiên chợ đều hài lòng với chất lượng, mẫu mã và giá cả bán ra của các doanh nghiệp, điều đó cho thấy hàng hoá Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Hầu hết doanh nghiệp tham gia phiên chợ đều tỏ ra khá lạc quan và tự tin về khả năng chinh phục người tiêu dùng bằng những sản phẩm nội địa chất lượng cao, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp có điều kiện nhận thức lại về tiềm năng của thị trường vùng nông thôn.

Qua hơn 2 năm triển khai CVĐ, ý thức “ưu tiên hàng Việt” trong mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt đã tăng lên rõ nét, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và bước đầu hình thành một nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam. Trong thời đại hội nhập và mở cửa thị trường với vô vàn lựa chọn cho người tiêu dùng, “Ưu tiên hàng Việt” không chỉ đơn thuần được xem xét dưới góc độ kinh tế /lợi nhuận mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt (bao gồm cả người tiêu dùng, doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các cơ quan Quản lý Nhà nước).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện CVĐ còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục đó là: Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp để đẩy mạnh CVĐ theo kế hoạch đã đề ra. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; Công tác chỉ đạo, triển khai của Ban chỉ đạo có thời điểm chưa sâu sát…Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có sức sống lâu bền và mang lại những kết quả thiết thực, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt.

Hoài Thân

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất