Chủ Nhật, 6/10/2024
Thể thao
Thứ Hai, 9/8/2010 10:59'(GMT+7)

Lũ lụt tồi tệ nhất 80 năm qua ở Pakistan

Ở những nơi tạm khô ráo, người dân cố bám vào máy bay trực thăng hòng thoát thân.

Ở những nơi tạm khô ráo, người dân cố bám vào máy bay trực thăng hòng thoát thân.

Những ngày qua, lũ lụt tại Pakistan làm thiệt mạng 1.600 người, gây xáo trộn đời sống của 14 triệu người, cuốn trôi mùa màng và vật nuôi. Công tác cứu hộ có vẻ như là việc quá sức đối với chính phủ dân sự của tổng thống Asif Ali Zardari. Đã có nhiều lời phàn nàn, ca thán về sự chậm trễ trong việc cứu hộ, khắc phục thảm họa.

Quân đội, vẫn duy trì vai trò chính trong việc thực thi chính sách đối ngoại và an ninh là lực lượng chủ chốt chịu trách nhiệm về công tác cứu hộ, giống như năm 2005, khi một vụ động đất lớn xảy ra tại Pakistan.

Do lại có mưa lớn, các chuyến trực thăng vận đã phải tạm ngưng và chính quyền đã đưa ra báo động đỏ tại các vùng miền nam. Một con đập ở tỉnh Sindh đã bị vỡ, còn mực nước tại các con đập lớn như Tarbela và Mangla sắp đạt đỉnh.

Cơ quan khí tượng thủy văn Pakistan cảnh báo sẽ có mưa trong ít nhất hai ngày tới ở tỉnh Sindh, nơi chính quyền địa phương nói nguy cơ lụt lội đã ở mức cực cao. Tỉnh tây bắc Khyber-Pakhtunkhwa, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đợt lũ lụt vừa qua, được nói là sẽ tiếp tục có mưa lớn. Những nơi nước đã rút đi nay lại ngập dần trong nước. Những con đường đã được thông, giờ bị chia cắt trở lại. Đã có những hỗ trợ quốc tế tới được Pakistan, nhưng với số lượng người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt quá lớn và tăng nhanh, chắc chắn nước này cần thêm giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế.

“Mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn. Lại có mưa nữa. Nó ngăn cản những nỗ lực cứu hộ của chúng tôi”, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ, Amjad Jamal, nói với BBC.

Do thời tiết quá xấu, các máy bay trực thăng không thể cất cánh, dù đây là phương tiện vận chuyển chủ yếu trong các hoạt động cứu hộ. Trong trận lụt lịch sử này, chỉ riêng ở thung lũng Swap, 29 cây cầu đã bị quét bay. “Tình hình quá xấu, nhất là ở khu vực thung lũng Swat. Chúng tôi đã khuyên những người sống ở khu vực thấp sơ tán khi mực nước các sông đang tăng nhanh” , Adnan Ahmed, một quan chức của tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa nói.

Đợt lụt này bắt đầu xuất hiện ở vùng tây bắc, nhưng giờ đã làm ngập lụt cả một vùng rộng lớn có chiều dài 1.000km, chủ yếu là những khu vực dọc sông Indus và những nhánh của con sông này. Mưa lớn ở nước láng giềng Afghanistan cũng sẽ khiến nước sông Kabul dâng cao và đổ về bắc Pakistan.

Cho đến nay, chính quyền ở Pakistan đã phải sơ tán hơn nửa triệu người sống gần sông Indus. Tuy vậy, vẫn có người từ chối rời bỏ nhà cửa, mùa màng. “Hãy để lũ lụt tới. Chúng tôi sống và sẽ chết ở đây”, cụ Dur Mohammed, 75 tuổi, ở làng Dadli nói với phóng viên AP.

Giới chức địa phương nói 650.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, 557.000 ha đất nông nghiệp bị ngập và 10.000 con bò đã chết.

Trước tình hình này, thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Nhiều nước đã bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ. Mỹ đã điều trực thăng và binh lính từ Afghanistan sang Pakistan hỗ trợ cứu hộ, còn NATO nói tổ chức này sẽ đứng ra điều phối hàng cứu trợ từ các quốc gia thành viên và các đối tác. Theo phát ngôn viên NATO, tổ chức này đang cung cấp thực phẩm, màn chống muỗi, lều bạt, máy phát điện và thuốc men cho các vùng bị ngập lụt.

Xuân Thủy - Tiền Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất