(TG) - Quy mô của lũ quét, sạt lở đất không lớn, nhưng rất khó dự báo chính xác, do vậy, việc phòng chống, chế ngự đối với hiểm họa này không phải dễ dàng.
ĐỂ LẠI HẬU QUẢ NẶNG NỀ
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương cho thấy, từ năm 2000 đến 2015, đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người, hơn 9.700 căn nhà đổ trôi, hơn 100.000 căn nhà ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh kinh tế hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính hơn 3.300 tỷ đồng….
Lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận.
Phân tích nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất cho thấy, ngoài yếu tố khách quan, còn do tác động của con người. Do sự chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết về thiên tai như: việc bạt núi mở đường chưa đáp ứng độ ổn định tạo nguy cơ sạt trượt; khai thác khoáng sản, gỗ, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng gây cản trở, ách tắc đường thoát lũ; san lấp sông, suối để xây dựng công trình, nhà ở gây tắc nghẽn dòng chảy, các khu vực dòng suối co hẹp; do ý thức của người dân về phòng chống thiên tai còn chủ quan, bất cẩn trong khi có lũ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp nhất là ở cơ sở chưa quyết liệt…
CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN LẬP BẢN ĐỒ KHOANH VÙNG KHU VỰC SẠT LỞ ĐẤT, LŨ QUÉT
Từ năm 2006 đến nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã triển khai đề án phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, các nhà khoa học của Viện đã ghi nhận tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc, đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất; trong đó, 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.
Hiện, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá, bản đồ cấu trúc địa chất và bản đồ phân bố mưa cho 10 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An.
Ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, trong giai đoạn đề án kéo dài đến năm 2020, cả bản đồ phân vùng trượt lở đất và lũ quét sẽ được xây dựng với tỷ lệ tăng dần, mức độ nghiên cứu chi tiết hơn để phục vụ cho chính quyền và người dân địa phương biết tại vùng họ đang sinh sống có xảy ra hiện tượng trượt lở đất hay không.
“Trước mắt, để giảm được những nguy cơ do sạt lở đất, chúng ta phải có những thay đổi trong nhận thực cũng như hành động. Nhận thức về bão lũ thiên tai cần phải được đầy đủ. Trượt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau bão. Chính quyền địa phương cùng nhân dân phải nâng cao cảnh giác để giảm nhẹ tối đa thiệt hại” – Ông Văn khẳng định.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực cảnh báo các địa phương có biện pháp phòng tránh, nhưng sau mỗi cơn bão, vẫn còn tình trạng thiệt mạng do lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa phương. Đặc biệt, sau cơn bão số 3 vừa qua, sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản ở các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu liên Bộ TN&MT, KH&ĐT, NN&PTNT phối hợp với các địa phương lập bản đồ chi tiết khu vực sạt lở đất, lũ quét để cảnh báo cho người dân./.
Nhật Minh