(TG) - Tình trạng sạt lở đất khiến giao thông đường bộ chia cắt ngay mùa khô hạn là hiện tượng rất lạ tại Cà Mau. Bước vào mùa mưa, đường tiếp tục lở, đê biển cũng trôi ra biển. Hàng loạt những cuộc khảo sát thực tế được triển khai nhưng tới nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
SẠT LỞ KHÔNG CÒN THEO MÙA
Từ đầu mùa khô 2019-2020 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.160 vị trí sụp, lún, tổng chiều dài hơn 25,2km. Phần lớn các vụ sụp, lún tập trung trên địa bàn các xã vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời. Trong số đó, có một số công trình giao thông lớn, như tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (giai đoạn 1); tuyến đường trên đê biển Tây, đoạn từ Kênh Mới đến Đá Bạc và một số tuyến đường huyết mạch về các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc…
Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau, Nguyễn Long Hoai đánh giá và cho biết, vào cao điểm khô hạn giữa tháng 5 vừa qua, hệ thống các kênh trục vùng ngọt của tỉnh Cà Mau chỉ còn khoảng 0,5m nước, trong khi các tuyến kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng thì khô cạn hoàn toàn.
Kênh rạch khô cạn được cho là “thủ phạm” chính gây nên tình trạng sụp, lún làm hư hỏng đường sá vùng ngọt tỉnh Cà Mau. Căn cứ để Cà Mau đưa ra nhận định này là kênh rạch các địa phương vùng mặn của tỉnh hiện đang đầy nước thì không xảy ra tình trạng sụp, lún. Gần đây, khi cống ngăn mặn Trùm Thuật Nam (xã Khánh Hải) bị rò rỉ, nước mặn xâm nhập vào bên trong khiến kênh thủy lợi “no nước” nên sụp, lún không tái diễn.
Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường nhận định: “Thủ phạm” gây sụp, lún, chính là khô hạn. Vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy”.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, từ cuối tháng 2.2020 đến nay, tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc đã xảy ra hơn 10 vụ sụp, lún, tổng chiều dài sụp, lún hơn 400m. Ngoài xã Trần Hợi, thì Khánh Bình Tây cũng là một trong những xã vùng ngọt bị thiệt hại nặng nề”.
SỚM KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau Dư Minh Hùng phân tích: “Nền đất yếu không chịu được sức tải của phương tiện giao thông lớn, cũng như các công trình xây dựng kiên cố trên bề mặt, dẫn đến sụp, lún, phá vỡ kết cấu công trình”.
Việc khắc phục sụp, lún tại Cà Mau hết sức khó khăn, bởi vào cao điểm những tháng khô hạn, kênh, rạch vùng ngọt của tỉnh đã cạn khiến vận chuyển đường thủy bị tê liệt. Trong khi đó, tại rất nhiều tuyến lộ bị sụp, lún đang xuất hiện những vết nứt mới có thể tái diễn sụp, lún buộc cơ quan chức năng địa phương phải rào chắn, cấm xe ôtô, xe tải. Do vậy, việc vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư… để tu sửa công trình giao thông bị hư hỏng là không thể, mà chỉ thực hiện được trong mùa mưa, khi kênh rạch đầy nước trở lại.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau Tô Quốc Nam kiến nghị: “Đã có lúc, tỉnh họp dân và dự tính đưa một lượng nước mặn vừa đủ vào kênh, rạch vùng ngọt để tạo phản áp, giảm sụp, lún. Khi mưa đến, cơ quan chức năng tỉnh sẽ tháo mặn hoặc dùng máy công suất lớn bơm cưỡng bức nước mặn ra khỏi kênh vùng ngọt”.
Đề xuất tạm thời “đưa mặn vào vùng ngọt” để “chữa cháy” của Cà Mau đã không nhận được sự đồng tình cao của chuyên gia, nhà khoa học ở các bộ, ngành Trung ương. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp này khá mạo hiểm bởi sẽ phải đầu tư không ít tiền và công sức để Cà Mau giữ được vùng ngọt rộng lớn. Trong khi Cà Mau là tỉnh duy nhất vùng ĐBSCL chưa có nguồn nước ngọt từ sông Mê Kông dẫn về mà sản xuất vùng ngọt phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa./.
Thu Hằng