Trong 2 ngày 7 và 8/3, tại Hải Phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Hội thảo là diễn đàn để các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đồng thời đề xuất những ý kiến, khuyến nghị, đóng góp vào dự thảo.
Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp nhấn mạnh tự do báo chí là quyền cơ bản của con người trong một xã hội phát triển và đã được ghi nhận tại nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.
Quyền tự do báo chí hay rộng hơn là quyền tự do ngôn luận đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013 và hiện nay đang sửa đổi Luật Báo chí.
Báo chí đóng góp lớn lao, quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước.
Và trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truyền thông ngày nay, vai trò của báo chí càng được củng cố và trở nên nổi bật.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp quan trọng như là cầu nối giữa người dân và chính quyền, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế… báo chí Việt Nam cũng vẫn còn những hiện tượng cần được điều chỉnh như đưa thông tin gây sốc, nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Do vậy, việc xem xét quy định trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần được thực hiện thật kỹ lưỡng để vừa đảm bảo tinh thần về quyền tự do báo chí được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ dự thảo luật, nhưng đồng thời không tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, gây tổn hại uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức, cơ quan, phương hại đến an ninh, quốc phòng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Trong hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào 6 nội dung gồm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí cần được hiểu như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay; các loại hình thông tin truyền thông nào cần được quy định để đảm bảo sự phù hợp với xu thế phát triển; quy định về quản lý nhà nước với công tác báo chí như thế nào để đảm bảo sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan báo chí; quy định như thế nào về nhà báo, về việc cấp thẻ nhà báo và về cộng tác viên để đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; các quy định về bảo vệ báo chí tác nghiệp và đảm bảo an toàn cho nhà báo; các quy định về các quyền liên quan đến nhà báo và báo chí như quyền tiếp cận thông tin, quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam đã nêu ra những xu hướng phát triển của báo chí hiện đại để những nhà lập pháp tính đến, từ đó đưa ra những khung pháp lý hiệu quả và minh bạch để có thể quản lý và theo dõi những loại hình đang và có thể phổ biến trong tương lai gần.
Theo ông Lê Quốc Minh, trong hiện tại và tương lai đã và sẽ ra đời những loại hình truyền thông và báo chí mới, những cách làm báo mới như mobile và ứng dụng, truyền thông xã hội, video 360 độ...
Công nghệ truyền thông đang thay đổi, cách tiếp cận thông tin của độc giả đang thay đổi, vì thế báo chí và truyền thông cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Luật và các quy định pháp lý, vì thế cũng cần phải tính trước những thay đổi đó.
Hội thảo còn đề cập đến nhiều nội dung góp ý hoàn thiện các quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên diễn đàn báo chí của công dân; quy định về nhà báo, cấp thẻ nhà báo và cộng tác viên để đảm bảo quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí; quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm báo chí./.
Theo TTXVN