Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 26/2/2016 15:38'(GMT+7)

Nhiều hoạt động kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng

hủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sỹ thi đua đại diện cho các phong trào thi đua nổi bật nhất trong cả nước tại Đại hội thi đua toàn quốc năm 1962. (Ảnh: TTXVN)

hủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sỹ thi đua đại diện cho các phong trào thi đua nổi bật nhất trong cả nước tại Đại hội thi đua toàn quốc năm 1962. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ đồng chí Phạm Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1906 tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. 

Sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, những năm 1925-1926, đồng chí tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh.

Cũng trong năm 1926, đồng chí sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức, giảng dạy. Kết thúc khóa học, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; được giữ lại làm công tác đối ngoại của Hội; rồi trở về nước, hoạt động trong phong trào cách mạng ở Nam Kỳ.

Tháng 3/1929, tại Đại hội Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng được bầu làm Bí thư Kỳ bộ và là Trưởng đoàn đại biểu Nam Kỳ tham dự Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hong Kong (Trung Quốc). Tại Đại hội (tháng 5/1929), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng bộ Hội. Trở về nước, đồng chí cùng các cán bộ trung kiên tích cực vận động cho sự ra đời của một đảng cộng sản thống nhất ở Việt Nam.

Ngày 29/7/1929, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ga xe lửa Sài Gòn, khi vừa công tác ở miền Trung trở về. Tòa án thực dân kết án đồng chí 10 năm tù và đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Tháng 7/1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc trả tự do cho đồng chí. Ra tù, đồng chí ra Hà Nội tiếp tục hoạt động cách mạng trên mặt trận báo chí công khai của Đảng. Tháng 5/1940, đồng chí được cử sang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc), làm việc bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào.

Đầu năm 1942, đồng chí Phạm Văn Đồng trở về nước hoạt động và đã có nhiều cống hiến trong quá trình xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, tham gia đào tạo cán bộ Mặt trận Việt Minh, phụ trách báo Việt Nam độc lập, xây dựng khu giải phóng, chuẩn bị lực lượng tiến tới Cách mạng Tháng Tám 1945. 

Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (tháng 8/1945), đồng chí được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Chính phủ lâm thời; được Quốc hội khóa I bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Đặc phái viên của Trung ương và Chính phủ chỉ đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến, kiến quốc ở Nam Trung Bộ. Đầu năm 1949, đồng chí trở lại Việt Bắc và được cử là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Sau ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi, từ năm 1955 đến năm 1987, đồng chí Phạm Văn Đồng được giao đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Từ Đại hội II của Đảng (năm 1951) đến Đại hội VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị. 

Từ năm 1986 đến 1997, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương các khóa VI, VII, VIII cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa I (1946-1960) đến khóa VII (1981-1987)…

Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác. 94 tuổi đời, 75 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho Đảng và dân tộc Việt Nam.

Tại hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ những đóng góp của đồng chí Phạm Văn Đồng trên 5 phương diện: một trong những cán bộ lớp tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam; nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước có nhiều đóng góp lớn đối với cách mạng Việt Nam; nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới; nhà văn hóa lớn của dân tộc; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng.

Các tham luận và ý kiến tại hội thảo đã thống nhất khẳng định kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc và quê hương Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Văn Đồng sớm hình thành tư tưởng yêu nước cách mạng. Đứng trên lập trường giai cấp công nhân, đồng chí đã lựa chọn con đường phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc làm mục tiêu, lý tưởng sống trọn đời.

Trải qua nhiều cương vị công tác ở Trung ương và địa phương, trên cương vị nào, đồng chí cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nêu tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng và trở thành người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cũng trong sáng 26/2, huyện ủy Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Cùng ngày, Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin-Thể dục thể thao huyện Mộ Đức tổ chức chương trình triển lãm sách-ảnh chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. 

Tại triển lãm sách-ảnh lần này có 50 đầu sách của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các tác giả viết về ông; 70 bức ảnh về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Thủ tướng và 3.500 đầu sách, tài liệu các loại về văn học nghệ thuật, khoa học xã hội, sách thiếu nhi...

Triển lãm mở cửa đến ngày 4/3./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất