Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 3/11/2009 14:28'(GMT+7)

Luật Bưu chính cần được quy định cụ thể hơn

Luật Bưu chính cũng góp phần hoàn thiện cơ chế pháp lý mới, đồng bộ và hiệu quả cho hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình trước xã hội trong việc bảo đảm duy trì việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và sự ổn định phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH-CN&MT) cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ hơn trong lĩnh vực bưu chính, giúp cho việc chính quy hóa, hiện đại hoá hoạt động bưu chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Tại các tổ thảo luận chiều nay, đa số các đại biểu đều nhất trí việc cần thiết ban hành Luật Bưu chính nhằm khắc phục những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông năm 2002. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, mặc dù đã qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đóng góp, tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm chung chung, có nhiều điểm còn chưa rõ ràng với một văn bản luật.

Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, nội dung luật không nên quá nhiều Chương, Điều mà có thể ghép lại được. Việc giải thích từ ngữ, theo đại biểu “cũng không được Việt Nam lắm, đọc rất khó hiểu”. Đại biểu đưa ra ví dụ về giải thích thư, trong luật giải thích: “Thư là thông tin trao đổi dưới dạng văn bản viết tay hoặc bản in, có địa chỉ nhận hoặc không có địa chỉ nhận”. Theo đại biểu thì ”thư mà không có không có địa chỉ nhận” thì là thư gì, nếu không có địa chỉ nhận thì làm sao chuyển được?

Đại biểu Tạ Ngọc Tấn (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, trong dự thảo Luật lần này vẫn còn một số khiếm khuyết mà nếu không khắc phục được thì cũng khó thông qua tại Kỳ họp lần này. Theo đại biểu, còn nhiều quy định chung chung, không rõ ràng. Ví dụ, trong luật có quy định về việc ”mở, kiểm tra, thu giữ bưu gửi và cung cấp thông tin riêng” trong đó quy định: ”Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản”. Theo đại biểu Tạ Ngọc Tấn, cần quy định rõ trong luật cơ quan nào, mức độ nào, trong trường hợp nào có quyền yêu cầu mở, kiểm tra thu giữ bưu gửi.

Đại biểu cũng đề cập đến Điều 9 trong dự thảo Luật quy định: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính, khoản 2 có quy định cấm “Gửi, chuyển chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh nhằm mục đích khủng bố; xâm hại tính mạng, tài sản công dân; gây mất trật tự, an toàn xã hội”. Theo đại biểu, đây là điểm không rõ nghĩa, dễ gây hiểu lầm. “Nếu gửi, chuyển chất gây nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh không nhằm mục đích khủng bố; không xâm hại tính mạng, tài sản công dân; gây mất trật tự, an toàn xã hội thì có được phép không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (đoàn Nghệ An) đồng ý với quan điểm của Uỷ ban KH-CN&MT là cần bổ sung tại điều 9 của dự thảo Luật thêm một điểm quy định là: Nghiêm cấm các hành vi từ chối cung cấp dịch vụ bưu chính trái pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng không nhất thiết phải đưa cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” vào cuối điều này, bởi để xác định thế nào mới là gây hậu quả nghiêm trọng cũng rất khó. “Quyền của người dân là phải được cung cấp các dịch vụ bưu chính. Các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không được phép từ chối cung cấp dịch vụ, bất kể là gây hậu quả nghiêm trọng hay không”, đại biểu Nguyễn Hữu Quang nói.

Dự thảo Luật Bưu chính sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường trước khi Quốc hội xem xét, quyết định.

Hôm nay, 3/11, buổi sáng Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thuế tài nguyên. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở Tổ về dự án Luật Nuôi con nuôi./.

Thanh Hà - Mạnh Hùng (VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất