Chính phủ cũng thảo luận về các giải pháp thực hiện các chính sách kích thích kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt là mức hỗ trợ lãi suất các khoản vay tín dụng phục vụ sản xuất, đời sống của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong năm 2010.
Gần 20 ý kiến của thành viên Chính phủ và đại biểu dự phiên họp đều thống nhất khẳng định, mặc dù còn có một số tồn tại, hạn chế nhưng cơ chế hỗ trợ lãi suất của Nhà nước được triển khai thực hiện trong thời gian qua đã đạt được mục tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất duy trì sản xuất-kinh doanh, mở rộng đầu tư, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế được lựa chọn tối ưu với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước được sự đồng tình, ủng hộ, phối hợp triển khai của cả hệ thống các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất.
Đây cũng là giải pháp kích cầu phù hợp và được triển khai kịp thời, tạo lòng tin và động lực cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thực hiện các chính sách kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến nguồn lực thực hiện tổng cộng khoảng 145.600 tỷ đồng, tương đương với khoảng trên 8 tỷ USD để sử dụng cho năm 2009 và một số năm sau.
Việc sử dụng cụ thể gồm khoảng 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng; khoảng 90.800 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, khoảng 28.000 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn giảm thuế cùng với khoảng 9.800 tỷ đồng các khoản chi khác.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131 hỗ trợ lãi suất 4% cho các khoản vay vốn lưu động của các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế với thời gian hỗ trợ không quá 8 tháng đối với các khoản vay được ký kết và giải ngân từ ngày 1/2/2009 đến ngày 31/12/2009.
Thủ tướng cũng ký các quyết định số 443 hỗ trợ lãi suất với mức 4% cho các khoản vay vốn trung, dài hạn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với thời gian hỗ trợ không quá 24 tháng; số 497 hỗ trợ lãi suất các khoản vay mua máy móc, thiết bị (tối đa 24 tháng), vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (tối đa là 12 tháng).
Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ lãi suất cũng được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ Đầu tư phát triển địa phương; vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất trên, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất tính đến 22/10/2009 đạt 412.100 tỷ đồng (chưa kể hỗ trợ lãi suất qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội), bao gồm 15,1% cho doanh nghiệp nhà nước, 84,9% cho doanh nghiệp ngoài nhà nước và hộ sản xuất.
Về vấn đề hỗ trợ lãi suất các gói kích thích kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận, năm 2010, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, các gói kích thích kinh tế tại các Quyết định số 131, 443 và 497 tiếp tục được thực hiện nhưng mức hỗ trợ lãi suất của Nhà nước thấp hơn, đối tượng vay được thu hẹp và thời gian được vay rút ngắn hơn.
Cụ thể, đối với Quyết định 131, thời gian kéo dài đến hết quý I/2010, mức hỗ trợ lãi suất từ 4%/năm hạ xuống còn 2%.
Hết quý I/2010, Chính phủ sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quyết định này, trên cơ sở đó xem xét có tiếp tục thực hiện nữa hay không. Đối với các Quyết định số 443 và 497, thời gian thực hiện kéo dài hết năm 2010, mức hỗ trợ lãi suất vay trung, dài hạn từ 4%/năm hạ xuống còn 2%.
Thủ tướng lưu ý từ nay đến hết năm, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội quý 4 và cả năm 2009; đồng thời chủ động triển khai công tác chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.
Cũng tại phiên họp tháng 10, Chính phủ nghe cho ý kiến về báo cáo ''Kết quả một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân''; Tờ trình về ''Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới''; Báo cáo ''Sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo'' và một số nội dung quan trọng khác./.