Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, phong trào thi đua phải là phong trào tự nguyện của các tầng lớp nhân dân, do đó bàn về chủ đề nêu trên thực sự là bàn về vai trò người đứng đầu trong việc phát động phong trào quần chúng thực hiện các nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ. Vấn đề này có thể phân tích lỹ lẽ, nhưng quan trọng là đưa ra những thực tế trong cuộc sống để chứng minh.
Bác Hồ là người rất quan tâm tới phong trào thi đua. Người nhấn mạnh "thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua" để biến lòng yêu nước thành các phong trào hành động cụ thể của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Nhưng trước đó trên báo chí trong các ngày 1-5 và 1-6-1948, Người đã viết các bài báo cổ vũ phong trào thi đua. Người đã có nhiều bài nói, thư gửi về thi đua yêu nước để cổ vũ phong trào thi đua. Còn nhớ, trước Cách mạng Tháng Tám dân ta đã trải qua nạn đói kinh hoàng với 2 triệu đồng bào chết đói. Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào "Sẻ cơm nhường áo" và viết thư gửi đồng bào toàn quốc, trong đó viết: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói, khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo" (1). Và Người đã gương mẫu thực hiện đầu tiên. Sự gương mẫu của người đứng đầu cả nước đã cổ vũ phong trào nhân dân, không chỉ có thêm gạo cho đồng bào nghèo, mà còn tăng thêm sự đậm đà trong tình nghĩa đồng bào... Phong trào "Sẻ cơm nhường áo" và "Hũ gạo tiết kiệm" với tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có sức sống lay động cho tới hôm nay với các loại "Hũ gạo tình thương", để giúp những đồng bào còn khó khăn, ngay cả khi đất nước đã có nhiều thành tựu.
Người viết báo kêu gọi "Tết trồng cây" thì chính Người thực hiện từ ngày mở đầu - năm 1960 - ở công viên Thống Nhất - Hà Nội, cho tới lần thứ 10 là “Tết trồng cây” cuối cùng của Người ở đồi Vật Lại, huyện Ba Vì. Sự gương mẫu của người đứng đầu cả nước đã thúc đẩy phong trào "Tết trồng cây" thành phong trào quần chúng rộng lớn, trở thành một mỹ tục mới, góp phần cải thiện môi trường tự nhiên.
Lại nhớ, phong trào thi đua ái quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược có rất nhiều hình thức phong phú, trong đó có phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" - một biểu hiện cụ thể, sinh động trong phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên miền Bắc vì miền Nam ruột thịt. Phong trào khởi xướng từ làng quê Hoà Xá, bên bờ sông Đáy của miền quê Ứng Hoà - Hà Đông, nay là Hà Nội. Người có sáng kiến khởi xướng phong trào đó là anh thanh niên Phùng Quán, nay đã là cụ già, không những là người có sáng kiến mà còn là người đi đầu xung phong tòng quân, chiến đấu gương mẫu. Và ở phong trào đó của huyện Ứng Hoà, tôi đã có dịp gặp Trịnh Tố Tâm, Bí thư Chi đoàn ở xã Đông Tân - không chỉ là người đứng lên hô hào hưởng ứng phong trào do Đảng uỷ xã phát động, mà còn là người ký tên đầu tiên xung phong nhập ngũ, vào Nam chiến đấu. Anh đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công, trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang và sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Lao động.
Rồi lại nhớ, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dịp công tác ở tuyến lửa Quảng Bình - quê hương của khẩu hiệu nổi tiếng xúc động lòng người "Xe chưa qua nhà không tiếc" để bảo đảm cho những chuyến xe chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam... và tôi được biết những nhà viết sử địa phương còn lúng túng khi xác định nơi khởi đầu cho phong trào này. Người thì nói là ở Hải Trạch, liên quan tới việc giữ cung đường thông với đèo Lý Hoà, người thì bảo ở Võ Ninh - nơi có cung đường qua phà Quán Hàu vào miền Nam. Cả hai nơi đó tôi đều có mặt lúc chiến tranh ác liệt nhất, khi địch thả bom toạ độ, đường bị tắc. Nơi nào cũng có những tấm gương rất xúc động, nhưng tôi trực tiếp chứng kiến là ở xã Võ Ninh. Lúc đó vào dịp lũ Tiểu mãn, đường qua phà đã tắc hàng tuần lễ, trên trời thì pháo sáng của địch thả suốt đêm, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là mặt đường bị bom cày xới, thêm mưa Tiểu mãn nên càng lầy thụt khiến xe không thể đi qua. Chi bộ xã thảo luận, tỏ rõ quyết tâm bảo đảm giao thông vì tiền tuyến lớn miền Nam, nên đã nêu khẩu hiệu cổ vũ phong trào "Xe chưa qua nhà không tiếc", "Đường chưa thông không tiếc máu xương". Khẩu hiệu và quyết tâm đó nêu đúng tâm trạng của người dân, nhưng thực hiện không dễ, vì cái nhà là cơ nghiệp, là mong mỏi của cả đời người nông dân... Để nhân dân hưởng ứng thì phải nêu gương, và tôi nhớ đồng chí Bí thư chi bộ xã đã vận động gia đình nêu gương - là người đầu tiên dỡ nhà mình lót đường cho xe qua. Khi Bí thư chi bộ đã nêu gương thì các chi uỷ viên và đảng viên tiếp tục làm theo; nhưng rồi nhân dân góp ý nên có kế hoạch, cứ đăng ký, song khi thực hiện thì nhà nào gần hố bom sẽ dỡ trước để vận chuyển cho nhanh... Thế là "đầu xuôi đuôi lọt", người đứng đầu làm gương thì phong trào quần chúng sôi nổi hưởng ứng... không một lời phàn nàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị trí đứng đầu cả nước, còn đồng chí Bí thư chi bộ ở xã Võ Ninh, cũng như Bí thư chi đoàn Thanh niên xã Đông Tân là người có trách nhiệm ở cơ sở nhỏ nhất nước, nhưng cả ba vị đều là người đứng đầu, cho nên sự gương mẫu đó có sức lan toả rất mạnh trong phong trào quần chúng tự nguyện.
Nhắc lại tác dụng to lớn tấm gương nói và làm và sự nêu gương của người đứng đầu với phong trào thi đua, cũng để thấy vai trò người đứng đầu trong vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như các phong trào quần chúng khác trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XI) về công tác dân vận của Đảng./.
------------------
(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t. 4, tr. 31.