Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 20/7/2013 17:17'(GMT+7)

Hè - Học và chơi

Việc giúp đỡ cha mẹ trong kiếm sống hay việc nhà dần ít đi khi xã hội dịch vụ phát triển. ở đô thị vốn đã ít mà ở nông thôn, việc chăn trâu, cắt cỏ giờ cũng hầu như chẳng còn, vườn tược cũng vậy ngoại trừ những vùng rừng núi.

Không gian đô thị ngày mỗi co chật lại. Bãi trống, sân vận động biến mất dần. Khoảnh vỉa hè ít ỏi, nay là nơi bán mua hàng quán, chỗ để xe…, đến đi bộ phải lách thì lấy đâu chỗ cho trẻ chơi ô, chơi bi, đá cầu, cầu lông hay trốn tìm… ở nông thôn, hồ ao ngày mỗi bị thu hẹp, lại bị ô nhiễm không còn là nơi con trẻ bơi lội như xưa. Bây giờ, sân hợp tác xã, sân đình mất đi hay hẹp lại; ngoài đồng sau vụ xuân là tiếp đến hè thu; vụ mùa cũng bị đẩy lên sớm nên ruộng mạ, ruộng gốc rạ cũng chẳng còn thời gian trống mà thả diều, chạy nhảy, đá bóng…

Nhịp sống hiện đại, cha mẹ phải bươn chải, quanh năm suốt tháng đi làm, còn mấy thời gian trông trẻ, đưa trẻ đi chơi. Mà đi đâu, chơi đâu ngoài mất thời gian còn là tiền bạc, từ đi cung đi rạp, ra công viên đến về quê, nghỉ núi, nghỉ biển. Thực tình, nhiều gia đình chỉ mong sao cho chóng hết hè để con cháu đến trường…

Quá nhiều cái khó bó buộc, nhiều gia đình phải lựa chọn việc cho con cái đi học thêm trong dịp hè như một giải pháp trông trẻ, dạy trẻ.

Suy nghĩ theo hướng khác, việc học hè quả có ích cho trẻ. ở những lớp được tổ chức dạy tốt, học tốt, trẻ không những được ôn luyện kiến thức, bớt sao lãng học hành mà còn được hệ thống hóa; trang bị phương pháp và vá lấp những lỗ hổng, nâng cao trình độ. Nói riêng việc học ngoại ngữ thôi, trong khi chất lượng giảng dạy trong nhà trường còn rất hạn chế thì lâu nay các trường lớp "ngoại khóa"… dạy thêm có uy tín dẫu sao cũng có hiệu quả chấp nhận được. Thực tế, với ba tháng hè, các lớp dạy thêm sẽ bồi bổ cho các em một khối lượng tri thức và kỹ năng đáng kể. Nên nhớ rằng đặc điểm của môn học này là phải luyện nhiều, thực hành nhiều.

Vậy thì kỳ nghỉ hè học và chơi thế nào xét nhiều mặt quả là việc lớn của các gia đình và xã hội cũng không thể xem nhẹ. Có cầu thì có cung, những năm gần đây, dịch vụ "học hè, chơi hè" bắt đầu mở ra khá nhiều, đa dạng. Có điều chẳng dịch vụ nào thay thế được bố mẹ, ông bà. Vì vậy dẫu bận bịu trăm công ngàn việc thì gia đình nào cũng phải cố gắng thu xếp.  Toàn dân chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một nét đẹp có tính truyền thống của xã hội ta. Tại sao ngay trong những năm chiến tranh các địa phương làm việc này rất tốt mà bây giờ, điều kiện mọi mặt tốt hơn gấp bội phần việc tổ chức sinh hoạt hè cho các em lại yếu kém, phai nhạt? Phải chăng chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở chưa thực sự coi việc chăm lo cho thiếu niên nhi đồng là một nhiệm vụ thiết thực? Và những người trưởng thành ít tìm thấy niềm vui trong công việc quan tâm chăm sóc dạy dỗ trẻ em?

Không phải không thể dẹp bớt được hàng quán, thu gọn bàn ghế ở hội trường để lấy chỗ chơi cho trẻ. Không phải tấm lòng, sáng kiến trong dân gian đã cạn. Không phải kinh phí từ quyên góp, đóng góp chút ít của các gia đình, đơn vị, cơ quan là quá khó khăn… Hè vang tiếng hát, rộn rã vui chơi nơi phố phường, làng xóm là hiện thực trong tầm tay, không chỉ là âm thanh, hình ảnh trong quá khứ.

Nghỉ hè là quãng thời gian gia đình hoàn toàn quản lý trẻ em. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không có mô hình, công thức chung nào cho mọi gia đình, nhưng sự lựa chọn chơi và học, chơi thế nào, học thế nào để không trở thành gánh nặng cho gia đình và tạo nên sự quá tải, gò bó các em đều phải được mỗi gia đình quan tâm xử lý một cách cân bằng với sự hỗ trợ chủ động, tích cực của xã hội, trước hết là mỗi khu dân cư./.

Mạnh Hùng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất