Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Hai, 14/9/2009 20:45'(GMT+7)

'Luật Công nghệ cao tạo sự hấp dẫn cho doanh nghiệp'

Thứ trưởng Lê Đình Tiến: "Với Luật Công nghệ cao, doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp luật về thuế".

Thứ trưởng Lê Đình Tiến: "Với Luật Công nghệ cao, doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp luật về thuế".

 Hiện nay, nhiều địa phương thành lập khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao nhưng chúng ta lại chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định. Vậy, căn cứ vào đâu để xác định tên gọi cho các khu công nghệ cao này, thưa ông?

- Đây là vấn đề trao đổi rất nhiều trong thời gian làm Luật. Khi nói đến khu công nghệ cao, nhiều ý kiến cho rằng nên mở rộng cho các địa phương nhưng một số ý kiến lại cho rằng cần tập trung tiềm lực để làm một số khu công nghệ cao. Quốc hội cũng đã thông qua việc chỉ có Thủ tướng mới được quyết định thành lập khu công nghệ cao và không phân cấp cho địa phương.

Những khu này là các khu công nghệ cao mang tính chất quốc gia, giúp thúc đẩy công nghệ cao ở các khu kinh tế quan trọng nên cần tập trung nguồn lực. Thí dụ, phía Bắc có khu CNC Hòa Lạc, phía Nam có khu CNC TP HCM và sắp tới miền Trung cũng có thể có khu công nghệ cao.

Chính vì thế, những khu công nghệ cao do địa phương quản lý sẽ do ngân sách địa phương đầu tư. Trong luật không nói địa phương không được lập khu công nghệ cao nhưng họ có thể vận dụng những tiêu chí về khu công nghệ cao để có một số chính sách về đầu tư, đất đai... Một số địa phương cũng đang nghiên cứu để hình thành các khu công nghệ cao.

- Vừa qua, có ý kiến cho rằng, trong Luật công nghệ cao và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành đều mới chỉ đề cập 4 lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên, và không có công nghệ Nano, điện tử, viễn thông... Điều này sẽ khó thúc đẩy khoa học công nghệ nước nhà phát triển. Xin Thứ trưởng giải thích về điều này?

- Bốn lĩnh vực nêu trong Luật Công nghệ cao (gồm vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học) đã bao trùm khá đầy đủ. Sau này sẽ có danh mục các sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Ví dụ công nghệ Nano cũng thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, hoặc viễn thông cũng từ trong công nghệ thông tin mà ra. Viễn thông và thông tin là lĩnh vực để áp dụng các công nghệ chứ không phải là lĩnh vực của công nghệ. Quy định quốc tế là vậy và chúng ta áp dụng chuẩn đó.

Luật cũng quy định, sau này nếu có một số lĩnh vực mới, Chính phủ được giao thẩm quyền quy định bổ sung theo sự phát triển khoa học công nghệ.

- Theo Luật Công nghệ cao, ngoài các ưu đãi về đất đai, thuế… doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao còn được hưởng những ưu đãi gì?

- Khi ban hành, Luật Công nghệ cao đã bắt đầu mở rộng sự khuyến khích, dành ưu đãi cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Không phải chỉ có những doanh nghiệp trong khu công nghệ cao do Thủ tướng phê duyệt mới được hưởng ưu đãi, mà tất cả doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao đều được ưu đãi như nhau.

Nhưng trong khu công nghệ cao, doanh nghiệp được hưởng hạ tầng rất tốt do Nhà nước hoặc tư nhân đầu tư. Thí dụ, khu công nghệ cao bao giờ cũng có đất đai thuận lợi, có cơ sở hạ tầng tốt, gần các cơ sở nghiên cứu, đào tạo để cung cấp các nguồn lực cũng như hỗ trợ các khu công nghệ cao... Khu công nghệ cao còn có thuận lợi nữa là gồm nhiều chức năng: khu R&D, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, phòng thí nghiệm... hỗ trợ tất cả các điều kiện cho doanh nghiệp.

- Cuối tháng 9 này, dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Công nghệ cao được trình Chính phủ. Vậy, sau khi được ban hành, Luật công nghệ cao có tác động như thế nào tới việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao?

- Một chính sách khi ban hành phải có thời gian thì tác động mới rõ rệt. Nhưng tác động trước mắt, các công ty nước ngoài vào đầu tư cần rất nhiều điều kiện. Ví dụ, về pháp luật, Luật Sở hữu Trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ đều quy định rất rõ. Khi có Luật, họ sẽ yên tâm đưa công nghệ mới vào.

Ngoài ra, Luật Công nghệ cao sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp khi họ được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp luật về thuế cũng như đất đai và các điều kiện khác.

Vừa rồi, một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư công nghệ cao về sinh học tại Hà Nội. Họ nói muốn Chính phủ có những ưu đãi không chỉ trong nước mà còn có tính cạnh tranh với khu vực. Tôi cũng có nói, Luật Công nghệ cao đã tạo môi trường thuận lợi, đặc biệt được ưu đãi về thuế. Điều này làm các nhà đầu tư rất yên tâm.

Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Công nghệ cao có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Theo đó, có khá nhiều điều khoản hỗ trợ mạnh cho việc phát triển công nghệ cao cho cả doanh nghiệp và cá nhân.

Các ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế và cơ chế tài chính đặc thù đều được dành cho việc phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Ngoài ra, vấn đề phát triển lĩnh vực công nghệ cao dành cho nông nghiệp được Nhà nước hỗ trợ mạnh như giao cho Bộ NN&PTNT đưa ra kế hoạch phát triển cụ thể về công nghệ cao, ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ tương đương với đầu tư cho công nghệ sinh học, hóa học, vật lý...

Điểm đặc biệt của Luật Công nghệ cao là cá nhân cũng có thể đầu tư xây dựng và kinh doanh các khu công nghệ cao nếu được Chính phủ phê duyệt. Đây là quy định chưa từng có. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghệ cao cũng được khuyến khích từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động khác.

Tiến Dũng (Vnexpress)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất